Lạm phát bắt đầu len lỏi vào bữa ăn học đường tại Nhật Bản
Lạm phát đang trở thành một vấn đề chính trị nóng ở Nhật Bản - một quốc gia từ lâu đã không quen với việc giá cả hàng hóa tăng cao.
Theo hãng tin Reuters, trong nhiều tháng qua, Kazumi Sato - chuyên gia dinh dưỡng tại một trường trung học cơ sở ở phía Đông Tokyo – liên tục nhận được thông báo giá nguyên liệu tăng vọt.
Biết rõ những khó khăn về kinh tế mà nhiều gia đình học sinh phải đối mặt, chính quyền địa phương không muốn chuyển gánh nặng từ bữa ăn trưa tốn kém hơn lên cho các gia đình.
Đối với chuyên gia Sato, điều này có nghĩa là căng tin của trường học phải liên tục điều chỉnh các bữa trưa sao cho phù hợp trong phạm vi ngân sách.
"Chúng tôi đan xen các loại trái cây theo mùa một hoặc hai lần một tháng, song rất khó để làm điều này thường xuyên", Sato nói.
Sato cho biết cô ấy thay thế trái cây tươi – nhóm thực phẩm đắt đỏ ở Nhật Bản - bằng thạch hoặc bánh tự làm. Cô thường xuyên sử dụng nhiều giá đỗ như một nguyên liệu thay thế rẻ tiền. Tuy nhiên, Sato ý tưởng về bữa ăn trưa phong phú sẽ cạn kiệt nếu giá cả tiếp tục tăng. “Tôi không muốn làm lũ trẻ thất vọng vì cảm thấy bữa ăn thật là buồn chán,”, Sato chia sẻ.
Những ngày này, một can dầu ăn 18 lit có giá đắt hơn so với một năm trước là 1.750 yên (khoảng 300.000 đồng), trong khi giá hành đắt gấp đôi. Đối với các trường học công, chính phủ Nhật Bản cũng áp dụng các yêu cầu về dinh dưỡng một cách nghiêm ngặt, chính vì vậy, những nhà dinh dưỡng học cho trường cũng không thể làm được gì nhiều.
Tại phường Adachi (Tokyo), bữa trưa tại các trường trung học cơ sở công lập có giá 334 yên, trong đó gia đình sẽ đóng góp 303 yên.
Là một phần biện pháp cứu trợ, hồi tháng 4, chính phủ Nhật Bản cho biết họ sẽ hỗ trợ ngân sách để giúp các trường học giải quyết phần nào chi phí bữa ăn hàng ngày. Phường Adachi có kế hoạch sử dụng những khoản đó và ngân sách bổ sung của riêng mình để tránh chuyển gánh nặng sang cho các gia đình.
Chuyên gia dinh dưỡng còn lo ngại về viễn cảnh giá thực phẩm và năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt là vào cuối năm học khi nguồn vốn được phân bổ bắt đầu cạn kiệt. “Mùa mưa năm nay đã kết thúc sớm nên có thể ảnh hưởng lớn đến rau màu. Tôi lo lắng về giá cả sẽ tăng nhiều hơn nữa khi đến mùa Thu và mùa Đông”, Sato bày tỏ.