Lạm phát của Mỹ tăng trở lại trong tháng 6
Hôm thứ Ba (15/7), dữ liệu mới nhất được công bố cho thấy lạm phát của Mỹ đã tăng nhẹ trong tháng 6 khi thuế quan có thể đang bắt đầu tác động đến người tiêu dùng.

Dữ liệu mới nhất cho thấy Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 2,7% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, tăng so với mức tăng 2,4% của tháng 5. Trên cơ sở hàng tháng, lạm phát tăng 0,3% so với mức tăng 0,1% của tháng 5.
Trong khi đó, CPI cơ bản (không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng) đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 2,8% của tháng 5. Trên cơ sở hàng tháng, lạm phát cơ bản tăng 0,2% trong tháng 6, cũng cao hơn mức tăng 0,1% của tháng trước.
Dữ liệu được công bố trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác đang gia tăng. Tổng thống Donald Trump đã công bố những lá thư gửi tới hơn 20 quốc gia, trong đó nêu rõ mức thuế từ 20% đến 50%, bao gồm mức thuế 35% đối với hàng hóa Canada và mức thuế 30% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Liên minh châu Âu.
Tổng thống Trump cũng đã áp dụng mức thuế quan từ 15% đến 20% đối với hầu hết các đối tác thương mại. Đáp lại, Liên minh châu Âu cũng đang nỗ lực đàm phán trong khi chuẩn bị các biện pháp đối phó tiềm năng.
Những vấn đề xung quanh thuế quan đã đặt ra những câu hỏi mới về lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thị trường vẫn kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách diễn ra trong hai tuần tới, phần lớn là do những bất ổn về việc thuế quan sẽ ảnh hưởng đến giá như thế nào.
Mặc dù lạm phát vẫn tương đối thấp trong tháng 6, nhưng có những dấu hiệu cho thấy thuế quan có thể đang bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế.
"Với lạm phát thấp hơn dự kiến trong tháng thứ năm liên tiếp, thoạt đầu có vẻ như vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát do thuế quan gây ra sẽ tăng mạnh như Fed đã kỳ vọng…Tuy nhiên, với sự gia tăng trong các mặt hàng như đồ gia dụng, giải trí và may mặc, thuế nhập khẩu đang dần ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa cơ bản”, Seema Shah, chiến lược gia toàn cầu tại Principal Asset Management cho biết.
Ngoài ra, thuế quan thường mất thời gian để thể hiện trong dữ liệu lạm phát, và vì nhiều mặt hàng nhập khẩu được áp dụng thuế suất ưu đãi trước, nên cho đến nay chỉ có một số lượng hạn chế hàng hóa bị ảnh hưởng. Theo chiến lược gia Seema Shah, mặc dù bất kỳ tác động lạm phát nào từ thuế quan có thể chỉ là tạm thời, nhưng làn sóng áp thuế mới gần đây cho thấy Fed cần cân nhắc việc trì hoãn các thay đổi chính sách trong vài tháng tới.
Greg Daco, chuyên gia kinh tế trưởng tại EY cũng cho rằng, tác động toàn diện của thuế quan vẫn chưa phản ánh rõ dưới áp lực căng thẳng thương mại, nhưng bất kỳ sự tăng giá nào cũng có thể chỉ là tạm thời.
"Nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc về việc nhanh chóng chuyển giao cú sốc thuế quan cao hơn từ những mức thuế cao hơn này. Vì vậy, chúng tôi dự đoán sẽ có một sự chuyển giao khá nhanh chóng…. Nhưng nếu chúng ta đang ở trong một môi trường áp dụng thuế quan đan xen trong năm tới, thì có nguy cơ lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng. Tôi nghĩ đó là rủi ro chính đối với nền kinh tế Mỹ hiện nay”, ông cho biết.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/lam-phat-cua-my-tang-tro-lai-trong-thang-6-post373099.html