'Lạm phát đang thử thách lòng can đảm'
Liên tục các đợt tăng lãi suất ở Mỹ và các quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cùng với vấn nạn lạm phát chưa thể kiềm chế khiến tài chính ở các nước mới nổi trở nên căng thẳng. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính đến hết tháng 9/2022, nợ của nhóm nước mới nổi chiếm 252,4% GDP.
Báo cáo của IMF viết: “Khối nợ ngày càng tăng ở các nền kinh tế mới nổi phản ánh tác động của sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng ở các nước này, có thể sẽ thúc đẩy các chính phủ vay nhiều hơn”.
Trong khi đó, việc vay vốn cũng không dễ dàng gì đối với các nền kinh tế mới nổi do đồng USD tăng giá “siêu mạnh”, ở mức cao chưa từng thấy kể từ năm 1985 khi Cục Dự trữ liên bang (FED) tăng lãi suất để chống lại lạm phát. Điều đó gây sức ép lên các nền kinh tế mới nổi khi phải đối mặt với chi phí tăng cao để trả các khoản nợ bằng USD.
“Với nợ cao và thâm hụt tài khoản vãng lai khá lớn ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nguy cơ căng thẳng tài chính sẽ có thể xuất hiện ở các nền kinh tế này và tiếp tục kìm hãm sự phục hồi của họ sau đại dịch Covid-19” - Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo.
Theo tờ Financial Times, tính đến cuối tháng 8, lượng tiền mà IMF đã giải ngân đối với 44 chương trình cho vay giải cứu đạt mức cao kỷ lục: 140 tỷ USD, trong tổng số 268 tỷ USD mà IMF cam kết cho vay trong năm nay. Con số này, dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa trong những tháng tới khi năm 2022 đang dần trôi qua.
Đầu tháng 10, Kevin Gallagher - Giám đốc Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu (Đại học Boston, Mỹ) cùng nhóm nghiên cứu đã công bố một bản báo cáo cảnh báo 55 nước nghèo nhất thế giới phải đối mặt với chi phí trả nợ tổng cộng 436 tỷ USD Mỹ từ năm 2022 đến năm 2028. Trong khi đó, Bikas Joshi - Giám đốc bộ phận chiến lược, chính sách và thẩm định của IMF, cho biết trong bối cảnh lạm phát gia tăng, đồng đô la Mỹ “siêu mạnh” thì việc trả nợ của hầu hết các quốc gia sẽ rất khó khăn.
Tại thời điểm này, lạm phát cao đã khiến IMF hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu, đi cùng với cảnh báo suy thoái. Báo cáo mới nhất của IMF nhận định triển vọng kinh tế thế giới đang trở nên ảm đạm và bất ổn hơn. Theo đó, IMF dự báo GDP toàn cầu chỉ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, giảm so với dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 8 (3,8%). Chưa hết, IMF còn cho rằng năm 2023, tăng trưởng toàn cầu còn rơi xuống mức 2,9%. Cùng đó, IMF cũng đã nâng dự báo lạm phát toàn cầu năm 2022 lên mức 8,3%.
Pierre-Olivier Gourinchas, kinh tế trưởng IMF, nhận xét môi trường tài chính và “lạm phát đang thử thách lòng can đảm” của ngân hàng trung ương hầu hết các quốc gia trên thế giới trong việc tiếp tục tăng lãi suất nhằm khôi phục sự ổn định giá cả. Ông nói: “Chúng ta đang ở trong một thời điểm rất nguy cấp. Có thể dễ dàng hạ nhiệt khi nền kinh tế đang nóng lên. Nhưng sẽ khó hơn nhiều để giảm lạm phát khi nền kinh tế đang bên bờ vực suy thoái”. Gourinchas cũng cho rằng nguy cơ suy thoái là “đặc biệt nổi bật” vào năm 2023 khi tăng trưởng dự kiến sẽ chạm đáy ở một số nước vì nguồn tiền mặt trong dân đã cạn thì ngay cả những cú sốc nhỏ cũng có thể khiến nền kinh tế đình trệ.
Vị chuyên gia này dẫn chứng, đối với Mỹ, mức tăng 5,7% của năm ngoái được dự báo sẽ giảm hơn một nửa xuống còn 2,3% vào năm 2022 do lạm phát tăng cao ăn mòn khả năng mua sắm hàng hóa và dịch vụ của các hộ gia đình. Trong khi đó, tăng trưởng của khu vực Eurozone nhiều khả năng chỉ là 2,6%; tuy nhiên nếu mùa đông này EU thiếu năng lượng thì tăng trưởng khu vực gần như bằng không.
Như vậy là, bước vào tháng đầu tiên của quý cuối cùng trong năm 2022, hầu hết các định chế tài chính quốc tế đều đưa ra nhận định không mấy sáng sủa về kinh tế toàn cầu, không chỉ Mỹ và EU mà cả các nước mới nổi, các nước đang phát triển cũng sẽ tiếp tục phải đương đầu với lạm phát và đứng trước ngưỡng cửa suy thoái.
“Trong bối cảnh chung đó, GDP của bất cứ nền kinh tế nào tăng trưởng dương trên 6% trong năm 2022 phải được coi là điều thần kỳ” - Pierre-Olivier Gourinchas, kinh tế trưởng IMF nói.
Ở một luồng ý kiến khác lạc quan hơn, mà đại diện là tiến sĩ Tobias Adrian - Cố vấn chính sách tài chính kiêm Giám đốc phụ trách bộ phận các thị trường vốn và tiền tệ của IMF, thì cho rằng nếu xảy ra suy thoái toàn cầu thì cũng sẽ “ở mức nhẹ nhàng hơn so với cơn suy thoái vào năm 2020 và 2008”.
Joe Brusuelas- nhà Kinh tế trưởng của RSM nhận định, lạm phát vẫn chưa chạm đỉnh, dù đã vươn lên ngưỡng cao nhất hơn 40 năm qua. “Chúng ta không nên nghĩ lạm phát đã chạm đỉnh trừ khi giá dầu và khí đốt có dấu hiệu đi xuống” - Brusuelas chia sẻ với Yahoo Finance Live. Riêng đối với nền kinh tế Mỹ, Brusuelas cho rằng FED sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi như một cách “phát tín hiệu tới nhà đầu tư và thị trường” để họ có sự chuẩn bị tâm lý đối phó với lạm phát. Brusuelas ước tính FED sẽ mất không dưới 2 năm để kéo lạm phát về ngưỡng 2% (hiện là 8,3%).
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lam-phat-dang-thu-thach-long-can-dam-5698237.html