Lạm phát giảm nhưng chỉ là tạm thời?

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 11-11 cho rằng dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ cho thấy áp lực tăng giá đang giảm bớt là tin tốt nhưng vẫn chưa rõ liệu lạm phát có đạt đến bước ngoặt để tiếp tục giảm nữa hay không.

Nhận định trên được đưa ra một ngày sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 của Mỹ ghi nhận mức tăng thấp nhất kể từ tháng 1 với 7,7%.

Báo cáo lạm phát của Mỹ cho thấy lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, trong tháng 10 đã tăng 0,3% so với tháng 9, từ mức tăng 0,6% trong tháng 9 so với tháng 8. Tỉ lệ tăng đã chậm lại so với tháng trước mặc dù chi phí thuê nhà tăng mạnh hơn bao gồm cả lãi suất thế chấp tăng vọt.

Hồi tháng 5, bà Yellen từng thừa nhận bà đã sai khi dự đoán lạm phát chỉ là "tạm thời" và giảm dần sau khi nền kinh tế phục hồi hậu đại dịch. Tuy nhiên, các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn tồn tại trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ, đại dịch COVID-19 bùng phát và xung đột ở Ukraine đã tiếp tục làm tăng giá năng lượng và lương thực, dẫn đến lạm phát.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, ước tính sơ bộ của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết tăng trưởng GDP nước này giảm 0,2% trong quý 3. Cả 3 lĩnh vực dịch vụ, sản xuất và xây dựng đều chậm lại.

Tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation cho biết sự sụt giảm trong quý 3 ít hơn mức mà các nhà đầu tư lo ngại nhưng nó đã khiến nước Anh tiến đến suy thoái nhanh nhất kể từ giữa những năm 1970.

Ông Suren Thiru, giám đốc kinh tế của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales, cho biết: "Những lo sợ về suy thoái đang trở thành hiện thực". Theo ông, kết quả quý 3 là khởi đầu của một giai đoạn thấm đòn bởi lạm phát cao, chi phí năng lượng và lãi suất ảnh hưởng đến thu nhập. Theo ông, Anh sẽ bước vào cuộc suy thoái kỹ thuật từ cuối năm nay.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt sẽ công bố chương trình nghị sự chính sách tài khóa mới vào tuần tới. Giới chức Anh dự kiến tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Thủ tướng Rishi Sunak cũng cảnh báo cần phải đưa ra những quyết định khó khăn để ổn định nền kinh tế Anh.

Tại Đức, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức hôm 11-11 cho biết chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10 cao hơn 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, theo Reuters, tỉ lệ lạm phát lõi của Nhật Bản dự kiến đạt mức cao nhất trong 40 năm trong tháng 10 do đồng yen suy yếu đã đẩy chi phí nguyên liệu thô của các công ty lên cao, khiến một số công ty không còn lựa chọn nào ngoài việc chuyển những khoản đó cho các hộ gia đình bằng cách tăng giá.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi trên toàn quốc dự kiến tăng 3,5% trong tháng 10, theo dự báo trung bình của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò. Chính phủ Nhật Bản sẽ công bố dữ liệu lạm phát vào ngày 17-11 tới.

Các nhà phân tích cho hay tỉ lệ lạm phát của Argentina cũng dự kiến tăng nhẹ trong tháng 10. Một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters đối với 14 nhà phân tích chỉ ra rằng chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,5% trong tháng trước, tăng từ mức 6,2% vào tháng 9, chủ yếu do giá thực phẩm và dịch vụ tăng. Lạm phát cao liên tục đã khiến nhiều người xuống đường biểu tình vì giá cả tăng cao hơn lương.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/lam-phat-giam-nhung-chi-la-tam-thoi-20221112091608895.htm