Lạm phát khu vực đồng Euro giữ trên 5% trước cuộc họp quan trọng của ECB

Lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 2,5 lần so với mục tiêu mà các nhà hoạch định chính sách, làm tăng thêm tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc có nên tiếp tục đợt tăng lãi suất lớn nhất kể từ khi đồng tiền chung được tạo ra hay không.

 Lạm phát cơ bản của khu vực đồng Euro ở mức 5,3% khi quan chức ECB tranh luận về việc có nên tiếp tục tăng lãi suất hay không. Ảnh: AP.

Lạm phát cơ bản của khu vực đồng Euro ở mức 5,3% khi quan chức ECB tranh luận về việc có nên tiếp tục tăng lãi suất hay không. Ảnh: AP.

Lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu của ECB trong 26 tháng liên tiếp

Ngày 31/8, Văn phòng thống kê của EU cho biết, lạm phát chung trong khu vực không thay đổi ở mức 5,3% tính đến hết tháng 8, cao hơn 2,5 lần so với mục tiêu mà các nhà hoạch định chính sách đặt ra, nhưng lưu ý rằng giá không bao gồm năng lượng và thực phẩm đã hạ nhiệt.

Các số liệu này được đưa ra trước cuộc họp ngày 13-14/9 của ECB, khi ECB phải đối mặt với một trong những quyết định khó khăn nhất trong nhiều năm: Liệu có nên mạo hiểm đẩy nền kinh tế khu vực đồng Euro vào một cuộc suy thoái bằng cách tăng lãi suất hơn nữa hay để lạm phát vượt xa mức mục tiêu 2%.

Thước đo giá cốt lõi là thước đo quan trọng nhất để các quan chức ECB chuẩn bị đánh giá trong hai tuần nữa liệu đà tăng trưởng suy yếu trên toàn khối 20 quốc gia có đủ hạ nhiệt áp lực giá và cuối cùng mang lại lạm phát 2% hay không. Nếu không, họ có thể tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, đưa lãi suất huy động lên mức kỷ lục 4%.

Các nhà giao dịch đang định giá 30% khả năng xảy ra động thái như vậy vào tháng tới. Đồng Euro kéo dài đà giảm và trái phiếu tăng sau dữ liệu này khi chu kỳ thắt chặt của ngân hàng trung ương sắp kết thúc.

Tuy nhiên, lạm phát cơ bản, không bao gồm năng lượng và thực phẩm và được ECB theo dõi chặt chẽ như một thước đo áp lực giá cơ bản, đã giảm phù hợp với kỳ vọng xuống 5,3%, giảm từ mức 5,5% trong tháng 7.

Các nhà đầu tư đã phản ứng bằng cách giảm đặt cược vào việc ECB tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp khi đồng Euro kéo dài đà giảm so với đồng đô la, xuống mức dưới 0,5%. Lợi suất trái phiếu 2 năm nhạy cảm với lãi suất của Đức đã giảm 5 điểm cơ bản xuống 3,03%.

Khi ECB gần kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, thị trường ngày càng trở nên nhạy cảm với những thay đổi nhỏ trong dữ liệu kinh tế. Những số liệu mới nhất có nghĩa là lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu của ECB trong 26 tháng liên tiếp và không thấp hơn mức đó ở bất kỳ quốc gia nào trong số 20 quốc gia thành viên khu vực đồng Euro.

Trong nỗ lực làm chậm hoạt động kinh tế và hạ nhiệt áp lực giá cả, ECB đã tăng lãi suất tiền gửi chuẩn từ âm 0,5% lên 3,75% kể từ giữa năm ngoái. Nhưng ngân hàng trung ương đã để ngỏ khả năng có thể tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo, khi một số nhà hoạch định chính sách cho rằng nó có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái không cần thiết.

ECB đã dự đoán mức tăng trưởng 0,9% trong năm nay – một dự báo lạc quan hơn hầu hết các nhà kinh tế. Piet Christiansen - chiến lược gia trưởng tại Danske Bank A/S cho biết: “Nhận định chung là quá trình giảm phát đang diễn ra, nhưng không đủ để ECB tự tin quay trở lại mục tiêu 2% kịp thời. Theo quan điểm của chúng tôi, dữ liệu lạm phát này ủng hộ việc tăng lãi suất vào tháng 9”.

“Nếu chúng tôi đánh giá rằng quan điểm chính sách không phù hợp với việc đưa lạm phát kịp thời trở lại mục tiêu 2%, thì việc tăng lãi suất hơn nữa sẽ là điều cần thiết” - tình thế khó khăn đối với các quan chức đã được thành viên Ban điều hành ECB Isabel Schnabel cho biết trong phát biểu ngày 31/8, đồng thời nhấn mạnh khả năng “có thể đợi đến cuộc họp tiếp theo để thu thập thêm bằng chứng”.

Triển vọng tăng trưởng xấu đi nhưng giá cả vẫn “cứng đầu”

Bản thân Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng đã tránh đưa ra một tuyên bố rõ ràng về ý định tăng lãi suất, trong khi một số thành viên “diều hâu” hơn đã tỏ dấu hiệu muốn có một bước điều chỉnh thêm 1/4 điểm phần trăm nữa.

Lạm phát ở khu vực đồng Euro đã giảm chậm hơn so với ở Mỹ, nơi tỷ lệ này là 3,2% trong tháng 7, nhưng nhanh hơn ở Anh, nơi số liệu mới nhất là 6,8%. Ảnh: Andy Rain/EPA

Lạm phát ở khu vực đồng Euro đã giảm chậm hơn so với ở Mỹ, nơi tỷ lệ này là 3,2% trong tháng 7, nhưng nhanh hơn ở Anh, nơi số liệu mới nhất là 6,8%. Ảnh: Andy Rain/EPA

Tuần trước, Joachim Nagel - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức cho biết, ông vẫn chưa tin lạm phát đã được kiểm soát, trong khi Thống đốc Ngân hàng Latvia Martins Kazaks cho rằng tốt hơn hết là nên sai lầm khi nghiêng về chính sách thắt chặt hơn. Thống đốc Robert Holzmann của Ngân hàng Trung ương Áo nói tại một sự kiện của Reuters ngày 31/8 rằng “một hoặc hai đợt tăng lãi suất nữa” là có thể xảy ra.

Dữ liệu của khu vực đồng Euro, cùng với báo cáo ngày 30/8 cho thấy kỳ vọng lãi suất tăng, có thể là bằng chứng hỗ trợ cho lập luận của lãnh đạo các ngân hàng trung ương. Áp lực giá tiêu dùng mạnh hơn dự kiến ở Đức và Pháp - một lần nữa được thúc đẩy bởi năng lượng - và sự phục hồi ở Tây Ban Nha, phù hợp với chủ đề đó.

Một dấu hiệu khích lệ nhỏ dành cho các nhà hoạch định chính sách là bằng chứng cho thấy lạm phát dịch vụ nói chung trong khu vực đang chậm lại. Tỷ lệ này hiện ở mức 5,5%, giảm từ mức 5,6% trong tháng 7. Tăng trưởng giá tiêu dùng của Ý cũng chậm hơn dự đoán ở mức 5,5%.

Các quan chức Dovish (phe bồ câu, ủng hộ quan điểm về chính sách tiền tệ mở rộng hoặc nới lỏng) - chẳng hạn như Mario Centeno của Bồ Đào Nha - có thể nhấn mạnh những rủi ro đối với triển vọng kinh tế đang bắt đầu hiện thực hóa.

Niềm tin đang suy giảm nhanh chóng và cuộc khảo sát mới nhất với các nhà quản lý mua hàng cho thấy, sản xuất ngày càng suy thoái cùng với dịch vụ cũng bị thu hẹp lần đầu tiên trong năm nay. Một cuộc khảo sát tâm lý của Ủy ban Châu Âu công bố ngày 30/8 cho thấy tình hình tồi tệ hơn trong tháng thứ tư.

Bà Schnabel thừa nhận những rủi ro, nói rằng những diễn biến gần đây “cho thấy triển vọng tăng trưởng yếu hơn so với dự đoán trong kịch bản cơ bản”, đồng thời cảnh báo rằng “có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế khu vực đồng Euro có thể không đứng trước bờ vực suy thoái sâu hoặc kéo dài”.

Tuy nhiên, lạm phát cũng đang khiến bà lo lắng, làm tăng thêm tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các nhà hoạch định chính sách trong tháng này. Bà nói: “Áp lực giá cơ bản vẫn ở mức cao, với các yếu tố trong nước hiện là nguyên nhân chính gây ra lạm phát ở khu vực đồng Euro”.

Lạm phát ở khu vực đồng Euro đã giảm chậm hơn so với ở Mỹ, nơi tỷ lệ này là 3,2% trong tháng 7, nhưng nhanh hơn ở Anh, nơi số liệu mới nhất là 6,8%. Giá năng lượng giảm 3,3% tính đến tháng 8, mức giảm khiêm tốn hơn so với 2 tháng trước. Khoản bù đắp này giảm lạm phát thực phẩm, rượu và thuốc lá xuống 9,8% và lạm phát hàng công nghiệp xuống 4,8%. Lạm phát dịch vụ giảm từ mức cao kỷ lục của tháng trước xuống còn 5,5%.

“Chúng tôi kỳ vọng ECB sẽ tăng lãi suất lần cuối vào tháng 9 vì các dự báo của nhân viên có thể vẫn cho thấy lạm phát trên mức mục tiêu, nhưng cũng vì mục đích quản lý rủi ro và vì cơ hội đang đóng cửa”- Frederik Ducrozet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Pictet Wealth Management cho biết. “Đây cũng là thông điệp chính trong bài phát biểu hôm nay của bà Schnabel, nếu chỉ vì lãi suất thực giảm đã phần nào bù đắp cho việc thắt chặt của ECB” - Ducrozet nói thêm./.

Hoàng Lê (theo The Financial Times/Bloomberg)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lam-phat-khu-vuc-dong-euro-giu-tren-5-truoc-cuoc-hop-quan-trong-cua-ecb-135033.html