Lạm phát làm gia tăng áp lực lên chính quyền MỹTin khácTHÔNG BÁO NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ BẢY (KỲ HỌP THƯỜNG LỆ CUỐI NĂM 2021) HĐND TỈNH KHÓA XVII NHIỆM KỲ 2021 – 2026Phấn đấu bệnh viện luôn là 'vùng xanh' trong phòng chống dịch

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với xếp hạng tín nhiệm ở mức thấp trước cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào năm tới, trong bối cảnh lạm phát kinh tế Mỹ tăng mức kỷ lục trong vòng 3 thập kỷ qua.Thống kê của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, lạm phát đã tăng lên mức 6,2% hồi tháng 10, khi nền kinh tế nước này phải chống đỡ với cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu, bồi thêm bởi sự gia tăng của giá thực phẩm, nhà ở, cùng nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Giá dầu thô trên thị trường Mỹ đã chạm mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây, riêng trong năm 2020 giá xăng bán lẻ đã tăng hơn 60%. Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm cảng Baltimore, bang Maryland ngày 10-11-2021. Ảnh: AP

Nguyên nhân chủ yếu được cho là do nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng trở lại khi các hoạt động đời sống-sản xuất bắt đầu phục hồi sau đại dịch, cộng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tắc nghẽn vận tải vì Covid-19.

Theo Reuters, ngày 23-11, chính quyền Mỹ thông báo kế hoạch xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của nước này.

Kế hoạch trên được đưa ra với sự phối hợp của Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh-những nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, trong nỗ lực nhằm hạ nhiệt giá dầu thế giới đang ở mức cao, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của tổ chức này (OPEC+) liên tục phớt lờ lời kêu gọi của Tổng thống Biden về việc tăng sản lượng dầu xuất khẩu.

Theo đó, Ấn Độ sẽ xuất 5 triệu thùng, Anh 1,5 triệu thùng, Nhật Bản 4,2 triệu thùng từ kho dự trữ quốc gia vào cuối năm nay. Hàn Quốc và Trung Quốc cũng sẽ công bố chi tiết số lượng và thời điểm xuất kho dầu sau khi thảo luận với Mỹ và các nước đồng minh.

Nỗ lực của Washington hợp tác với các nền kinh tế lớn ở châu Á để giảm giá năng lượng đóng vai trò như một lời cảnh báo đối với OPEC và các nhà sản xuất dầu rằng, họ cần giải quyết mối lo ngại về giá dầu thô cao trong năm nay, qua đó góp phần giảm tốc lạm phát. Tuy nhiên, nỗ lực này liệu có thật sự đem lại hiệu quả như mong muốn?

Louise Dickson, nhà phân tích thị trường tại Rystad Energy cho biết: “Động thái của Tổng thống Mỹ Biden và các nhà lãnh đạo khác có thể giúp hạ nhiệt giá dầu nhất thời, song về dài hạn có khi còn gây hiệu ứng ngược, vì việc xuất dầu trong kho dự trữ có thể góp phần làm tình hình căng thẳng hơn một khi các kho dự trữ dầu bị cạn kiệt”.

Trong khi đó, các đối thủ chính trị của Tổng thống Biden đã tận dụng cơ hội này để chỉ trích những nỗ lực của người đứng đầu phe Dân chủ.

Thượng nghị sĩ John Barrasso của Đảng Cộng hòa, thuộc Ủy ban năng lượng Thượng viện cho biết: “Sử dụng dự trữ dầu mỏ chiến lược sẽ không giải quyết được vấn đề. Chúng ta đang phải chịu giá cao hơn vì chính quyền và các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội đang tiến hành một cuộc chiến năng lượng”.

Một cuộc khảo sát của Country Financial mới đây cho thấy, 88% người dân Mỹ tỏ ra lo ngại về lạm phát và buộc phải có kế hoạch cắt giảm chi tiêu dịp cuối năm.

Lạm phát sẽ là mối đe dọa đối với các chương trình, chính sách của chính quyền Biden và bất kỳ đảng viên Dân chủ nào tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.

Trong một cuộc thăm dò gần đây của trang NBC, có đến 57% người Mỹ cho biết họ không tán thành cách điều hành nền kinh tế của Biden, so với tỷ lệ tán thành 40%. Đối với người dân Mỹ, lạm phát và những lo ngại về kinh tế đang vượt xa những lo lắng về đại dịch Covid-19.

Không thể phủ nhận rằng cho tới nay, chính quyền Tổng thống Biden đã nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp đối phó với tình trạng lạm phát như: Điều tra giá khí đốt, yêu cầu các cảng biển hoạt động 24/24 giờ để giải phóng tắc nghẽn vận tải biển, ngăn chặn gián đoạn chuỗi cung ứng, đưa ra các gói đầu tư cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội…

Tháng 11-2021, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói ngân sách cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD; còn gói chi tiêu cho phúc lợi xã hội và chống biến đổi khí hậu trị giá 1.750 tỷ USD dự kiến cũng sẽ được Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua vào cuối tháng, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, nếu các biện pháp kiềm chế lạm phát không sớm phát huy tác dụng trong thời gian tới, thì đây sẽ là một cái cớ để các thành viên Đảng Cộng hòa vin vào buộc tội, làm suy giảm uy tín của Tổng thống Biden và phe Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.

Theo Quandoinhandan

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/464925-lam-phat-lam-gia-tang-ap-luc-len-chinh-quyen-my.html