Lạm phát năm nay sẽ vẫn nằm trong mức mục tiêu của Chính phủ đề ra

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân Maybank Investment Bank cho rằng dù có áp lực, dự báo lạm phát năm nay sẽ vẫn nằm trong mức mục tiêu của Chính phủ đề ra ở khoảng 4,5%.

Chỉ số giá tiêu dùng quý II/2024 tăng 4,39%, và trong 6 tháng đầu năm tăng 4,08%.

Chỉ số giá tiêu dùng quý II/2024 tăng 4,39%, và trong 6 tháng đầu năm tăng 4,08%.

Phóng viên: Ông có đánh giá gì về mức tăng CPI 6 tháng đầu năm 2024?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý II/2024 tăng 4,39%, và trong 6 tháng đầu năm tăng 4,08%. Tính bình quân, lạm phát cơ bản trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong sáu tháng qua, chúng tôi nhận thấy có một số yếu tố đã làm tăng CPI.

Thứ nhất, thuốc và dịch vụ y tế: Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế tại một số tỉnh, theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế đã tạo thêm áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng chung.

Thứ hai, nhà ở và vật liệu xây dựng: chủ yếu do chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,95%, tác động làm CPI tăng 0,52 điểm phần trăm; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 9,45% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân trong năm 2023.

Thứ ba, lương thực, thực phẩm: Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lây lan tại một số địa phương, làm tăng giá thịt heo.

Thứ tư, dịch vụ giáo dục: Nhóm giáo dục tăng 8,58% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng mức học phí.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân Maybank Investment Bank. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân Maybank Investment Bank. Ảnh: NVCC

Phóng viên: Ông có thể chỉ ra những yếu tố tác động tới mục tiêu kiềm chế lạm phát của chúng ta những tháng cuối năm?

Chúng tôi cho rằng dù có áp lực, dự báo lạm phát năm nay sẽ vẫn nằm trong mức mục tiêu của Chính phủ đề ra ở khoảng 4,5%. Từ đầu năm tới nay, thời tiết tương đối ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung lương thực, rau, quả dồi dào, giá cả mặt hàng nông sản không có biến động lớn.

Bên cạnh đó, một số yếu tố hỗ trợ giảm lạm phát có thể kể đến như việc tiếp tục giảm 2% thuế GTGT và dự báo đồng thuận về việc giá dầu toàn cầu sẽ giảm 4% có thể giúp kiểm soát lạm phát trong nửa cuối năm 2024; lạm phát các đối tác thương mại chính của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu cũng đang cho thấy xu hướng hạ nhiệt, qua đó góp phần kìm hãm đà tăng của lạm phát trong nước.

Phóng viên: Theo ông, để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 4-4,5% như đã đề ra chúng ta cần có những giải pháp, lưu ý gì?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Một số các giải pháp có thể kể đến như sau:

- Ổn định kinh tế vĩ mô: Kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn để tạo nền tảng cho sự phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.

- Điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước: Theo dõi sát biến động kinh tế, điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, và tỷ giá hối đoái để ổn định giá trị đồng Việt Nam và kiểm soát lạm phát.

- Ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu: Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ giá cho các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, gas, lương thực... để đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân.

- Điều chỉnh giá dịch vụ: Tăng giá điện, nước, y tế, giáo dục theo lộ trình hợp lý để tránh áp lực lạm phát.

- Theo dõi thị trường: Cần giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá.

- Kiểm soát chi tiêu công: Đẩy mạnh việc kiểm soát chi tiêu công, đảm bảo sử dụng ngân sách hiệu quả, tránh lãng phí và đầu tư vào các dự án có tính khả thi và hiệu quả cao.

Phóng viên: Cảm ơn ông chia sẻ!

Huyền Châm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/lam-phat-nam-nay-se-van-nam-trong-muc-muc-tieu-cua-chinh-phu-de-ra.html