Lạm phát Nhật Bản chậm lại

Lạm phát cơ bản của Nhật Bản đã chậm lại trong tháng 9 nhờ chính phủ nước này triển khai các gói trợ cấp năng lượng.

 Lạm phát của Nhật Bản đã chậm lại trong tháng 9. Ảnh: Serrari Group.

Lạm phát của Nhật Bản đã chậm lại trong tháng 9. Ảnh: Serrari Group.

Chỉ số lạm phát quan trọng của Nhật Bản đã lần đầu tiên chậm lại vào tháng 9 sau 5 tháng tăng liên tiếp trước đó. Điều này xảy ra ngay trước thềm cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ diễn ra vào cuối tháng này.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản, bao gồm các sản phẩm dầu mỏ nhưng không bao gồm giá thực phẩm tươi sống, đã tăng 2,4% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, nhích nhẹ 0,1 điểm % so với dự báo trung bình của thị trường là tăng 2,3%, theo Reuters.

Sự chậm lại so với mức tăng 2,8% của tháng 8 chủ yếu là do chính phủ nước này triển khai các khoản trợ cấp tạm thời để kiềm chế hóa đơn khí đốt và điện, được nhận định là có thể đè nặng lên lạm phát cơ bản trong những tháng tới.

Một chỉ số loại bỏ tác động của thực phẩm tươi sống và nhiên liệu, được BoJ theo dõi chặt chẽ như một chỉ báo tốt hơn về biến động giá do nhu cầu, đã tăng 2,1% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 2% vào tháng 8.

"Chúng tôi dự đoán lạm phát không bao gồm thực phẩm tươi sống và năng lượng sẽ duy trì ở mức 2% cho đến đầu năm tới và sẽ dần dần giảm xuống dưới 2%. Từ đó kỳ vọng BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất trước cuối năm nay", Marcel Thieliant, người đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Capital Economics nói thêm.

Lạm phát tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản đã vượt mục tiêu 2% của BOJ trong hơn 2 năm qua, thúc đẩy cơ quan quản lý tiền tệ này phải chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 3 và tăng lãi suất ngắn hạn lên 0,25% vào tháng 7.

Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu lạm phát vẫn trên đà đạt mức ổn định 2% như dự kiến. Nhưng ông nhấn mạnh BOJ sẽ dành thời gian đánh giá xem những bất ổn kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến sự phục hồi mong manh của Nhật Bản như thế nào.

Nền kinh tế Nhật Bản đã đạt mức tăng trưởng 2,9% hàng năm trong quý II khi mức lương tăng ổn định thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, mặc dù nhu cầu mua sắm của Trung Quốc yếu đi và tăng trưởng chậm lại của Mỹ làm lu mờ triển vọng của quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu này.

Thị trường hiện không mong đợi sự thay đổi nào trong chính sách quản lý tiền tệ của BOJ tại cuộc họp diễn ra vào ngày 30-31/10. Trong dài hạn, các nhà giao dịch vẫn đặt cược BOJ có thể tăng lãi suất vào tháng 12 hoặc muộn hơn là chờ đợi đến tháng 1/2025.

Sau khi dữ liệu dữ liệu lạm phát của Nhật được công bố, đồng yen đã giảm xuống mức thấp 168,32 yen/USD. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ ngày 30/7 với mức mất giá hơn nửa điểm %.

Việc đồng yen giảm mạnh cũng làm dấy lên những lo ngại về khả năng chính phủ Nhật Bản sẽ phải tiếp tục can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato đã cảnh báo rằng các biến động mạnh của đồng yen có thể gây tổn hại cho các công ty và hộ gia đình, và cần được chính phủ giám sát chặt chẽ.

Ông Atsushi Mimura, quan chức quản lý tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản, cũng cho biết đang theo dõi thị trường ngoại hối với một tinh thần cấp bách. Điều này cho thấy Nhật Bản đang xem xét các biện pháp can thiệp nếu đồng yen tiếp tục yếu đi.

Trước đó, đồng yen đã từng leo lên mức 140 yen/USD trong phiên ngày 13/9, mức cao nhất kể từ đầu năm 2024 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất quỹ liên bang tới 0,5 điểm %.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/lam-phat-nhat-ban-cham-lai-post1504937.html