Lạm phát tháng 4 của Mỹ vẫn tăng ngoài dự kiến

Lạm phát tại Mỹ tiếp tục leo thang trong tháng 4 và tạo áp lực lớn lên nền kinh tế. Điều này cho thấy FED sẽ vẫn phải hành động mạnh tay.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, lạm phát tại Mỹ tiếp tục leo thang trong tháng 4, đè nặng lên túi tiền của người tiêu dùng và đe dọa đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,3% so với một năm trước đó, cao hơn mức dự báo 8,1% của Dow Jones. Tuy nhiên, lạm phát trong tháng 4 đã giảm nhẹ so với tháng trước đó.

Vào tháng 3, CPI của Mỹ tăng 8,5%, mức tăng giá chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980.

 Lạm phát tại Mỹ tiếp tục leo thang trong tháng 4 dù đã giảm nhẹ so với hồi tháng 3. Các con số mới cho thấy ngân hàng trung ương nước này sẽ phải tiếp tục hành động mạnh tay. Ảnh: Reuters.

Lạm phát tại Mỹ tiếp tục leo thang trong tháng 4 dù đã giảm nhẹ so với hồi tháng 3. Các con số mới cho thấy ngân hàng trung ương nước này sẽ phải tiếp tục hành động mạnh tay. Ảnh: Reuters.

Tăng vượt dự báo

Nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi vẫn tăng 6,2%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo.

Giá tăng tiếp tục đè nặng lên người lao động. Tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm 0,1% trong tháng 3, dù mức tăng danh nghĩa của thu nhập bình quân theo giờ đạt 0,3%.

Trong năm qua, thu nhập bình quân theo giờ của người Mỹ đã tăng 5,5%, nhưng thu nhập thực tế lao dốc 2,6%.

Lạm phát là mối đe dọa lớn nhất đối với đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch. Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao, nhưng lạm phát còn lan sang các lĩnh vực như nhà ở, ôtô và một loạt lĩnh vực khác.

Để đối phó với lạm phát, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay và cam kết sẽ tiếp tục để hạ nhiệt giá cả. Mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ trong năm nay là 2%.

 So với cùng kỳ năm ngoái, giá năng lượng tại Mỹ đã tăng 30,3%. Tuần này, giá xăng vừa đạt mức cao kỷ lục mới. Ảnh: Reuters.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá năng lượng tại Mỹ đã tăng 30,3%. Tuần này, giá xăng vừa đạt mức cao kỷ lục mới. Ảnh: Reuters.

Vào giữa tuần trước, FED đã nâng lãi suất chuẩn thêm 0,5 điểm phần trăm vào giữa tuần trước, mức tăng lớn nhất trong vòng 22 năm qua. Trong tháng 3, cơ quan này cũng tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đánh dấu lần nâng lãi suất đầu tiên kể từ cuối năm 2018.

Tuy nhiên, các dữ liệu trong tháng 4 cho thấy cơ quan này sẽ còn nhiều việc phải làm. CPI tăng cao dù giá năng lượng đã giảm 2,7% trong tháng. Trong đó, giá xăng lao dốc 6,1%. Nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, giá năng lượng vẫn tăng 30,3%, còn giá thực phẩm tăng 9,4%.

Tuần này, giá xăng đạt ngưỡng cao kỷ lục (chưa điều chỉnh theo lạm phát) khi chạm mức 4,37 USD mỗi gallon, tương đương 1,15 USD một lít.

Áp lực lên Fed

"Chúng ta đang chứng kiến giá năng lượng tại Mỹ được điều chỉnh giảm nhẹ, nhưng điều đó vẫn chưa đủ", bà Kathy Jones - chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định tại Charles Schwab - bình luận.

Theo bà, các thị trường đã kỳ vọng vào một con số tốt hơn. Và kết quả này sẽ khiến FED phải tiếp tục hành động mạnh tay.

Các thị trường chứng khoán đỏ lửa sau thông tin về lạm phát tháng 4 tại Mỹ. Tính đến 13h ngày 11/5 (theo giờ Mỹ), chỉ số NASDAQ Composite - thiên về công nghệ - mất 170,66 điểm, tương đương 1,45%, về 11.565. Còn chỉ số Dow Jones và S&P 500 lần lượt lao dốc 0,15% và 0,44%.

Khi đại dịch bùng phát, Fed đã hạ lãi suất xuống gần 0 để khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp chi tiêu. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua chương trình nới lỏng định lượng.

Báo cáo CPI tháng 4 cho thấy lạm phát tiếp tục tăng ngoài dự kiến. Đà giảm tốc sẽ diễn ra rất chậm

Bà Seema Shah, chiến lược gia trưởng tại Chief Global Investors

Nhưng những biện pháp khẩn cấp của FED đã góp phần vào đà phát triển quá nóng của kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại.

Mối lo ngại tiếp tục phình to khi phí nhà ở vẫn tăng cao. Chỉ số nhà ở trong tháng 4 - chiếm khoảng 1/3 tỷ trọng CPI - tăng 0,5% so với tháng 3 và 5,1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4/1991.

Giá vé máy bay tiếp tục tăng bởi nhu cầu di chuyển tăng cao. Giá đã tăng 18,6% so với tháng trước và 33,3% trong vòng 1 năm qua (theo dữ liệu chưa điều chỉnh).

Doanh số bán ôtô cũng góp phần lớn vào lạm phát, bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng, nhất là đối với chất bán dẫn, đã đẩy giá lên cao. Giá xe cũ giảm 0,4% trong tháng, nhưng giá xe mới tăng 1,1%. So với cùng kỳ năm ngoái, giá tăng lần lượt 22,7% và 13,2%.

Các loại thực phẩm cũng chứng kiến giá tăng vọt trong tháng 4. Giá thịt gà và trứng tăng lần lượt tăng 3,4% và 10,3% trong bối cảnh lo ngại dịch cúm gia cầm. Giá thịt xông khói tăng 2,5%, ngũ cốc ăn sáng tăng 2,4%, riêng giá thịt nguội giảm 1,8%.

Theo bà Seema Shah - chiến lược gia trưởng tại Chief Global Investors, báo cáo CPI tháng 4 cho thấy lạm phát tiếp tục tăng ngoài dự kiến. "Đà giảm tốc sẽ diễn ra rất chậm", bà nói thêm.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-phat-thang-4-cua-my-van-tang-ngoai-du-kien-post1316313.html