Lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt, bình quân 6 tháng CPI tăng 3,29%

Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, ngày càng cách xa mục tiêu điều hành 4,5%.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước. Giá thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 6/2023 tăng như vậy.

Trong khi đó, so với tháng 12/2022, CPI tháng Sáu tăng 0,67% và so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,0%. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, CPI bình quân - chỉ số được Việt Nam lấy làm thước đo lạm phát - đã ngày càng cách xa mục tiêu điều hành 4,5% trong năm nay. Lạm phát đã dần hạ nhiệt và được kiểm soát tốt. Đây chính là một trong những nỗ lực lớn trong điều hành giá cả của Chính phủ.

Nhiều dự báo gần đây cho thấy, lạm phát năm nay của Việt Nam sẽ tiếp tục trong tầm kiểm soát.

Giá cả hàng hóa hạ nhiệt nên lạm phát đang được kiểm soát tốt

Giá cả hàng hóa hạ nhiệt nên lạm phát đang được kiểm soát tốt

Quay trở lại với diễn biến giá cả hàng hóa thị trường, Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 6/2023, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Nhóm hàng hóa có CPI giảm chính là nhóm bưu chính - viễn thông, với mức giảm 0,23%. Đây là nhóm hàng hóa luôn có mức giảm trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI tăng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất, 0,57%, làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm.

Trong đó, nhóm lương thực tăng 0,09%; thực phẩm tăng 0,72%, còn ăn uống ngoài gia đình tăng 0,42%. Đây chính là nhóm hàng có tác động lớn tới CPI chung.

Ngoài nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng khá cao, thì nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,34%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,26%.

Trong khi đó, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; nhóm giao thông tăng 0,16%. Các đợt điều chính giá xăng trong tháng 6/2023 đã khiến giá xăng, dầu trong nước tăng 0,5% và tác động làm CPI chung tăng 0,02 điểm phẩn trăm.

Các nhóm hàng hóa còn lại, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,11%; nhóm giáo dục tăng 0,11%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,07%...

Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 6/2023 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,29%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 6 tháng đầu năm 2023 giảm 18,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 9,99% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Lạm phát cơ bản bình quân tiếp tục ở mức cao, cao hơn CPI bình quân chung tiếp tục là yếu tố được coi là cần được theo dõi.

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lam-phat-tiep-tuc-duoc-kiem-soat-tot-binh-quan-6-thang-cpi-tang-329-d192941.html