Lạm phát tiếp tục 'hạ nhiệt', Fed tự tin cắt giảm lãi suất
CPI tháng 7 của Mỹ giảm xuống dưới 3% kể từ đầu năm 2021, góp phần củng cố khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào tháng 9 tới.
Lạm phát giảm mạnh
Trong tháng 7/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ 14/8. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2021 và còn thấp hơn so với dự báo của các nhà kinh tế là 3%. Lạm phát cơ bản - loại trừ các mặt hàng thực phẩm và năng lượng có biến động lớn - tăng 3,2%, cũng là mức thấp nhất trong ba năm qua.
Dữ liệu này là rất đáng khích lệ, và sẽ mang lại cho Fed nhiều sự tự tin để bắt đầu quá trình nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới," bà Kathy Bostjancic, chuyên gia kinh tế trưởng tại Nationwide, cho biết.
Việc lạm phát giảm liên tục và trên diện rộng mang lại cho Fed nhiều dư địa hơn để tập trung vào việc giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn trong thị trường lao động. Sau khi số liệu CPI được công bố, thị trường chứng khoán nước này đã phản ứng không quá mạnh - dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đã chuyển từ lo ngại về lạm phát sang lo lắng về thị trường lao động.
Trên thực tế, báo cáo CPI mới đây vẫn còn những điểm đáng lo. Chi phí nhà ở tăng nhanh hơn so với tháng 6. Tuy nhiên, nhìn chung giá cả đã có sự cải thiện trên diện rộng, từ ô tô cũ đến chăm sóc y tế, đủ để bù đắp cho một trở ngại đó.
Fed sẽ giảm lãi suất ra sao?
Việc Fed cắt giảm lãi suất được cho là bước đi đúng hướng nhờ vào dữ liệu lạm phát tốt hơn và những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động có thể suy yếu trong những tháng tới. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3% trong tháng 7 từ mức 3,7% vào đầu năm, phản ánh môi trường tuyển dụng ảm đạm trong nền kinh tế.
Giờ đây, các chuyên gia cho rằng mức độ cắt giảm lãi suất mới là trọng tâm tại cuộc họp của Fed vào tháng 9 tới. Fed sẽ cắt giảm 0,25 điểm phần trăm hay 0,5 điểm phần trăm lãi suất đang là điều mà nhiều chuyên gia, tổ chức tài chính dự báo.
Dữ liệu lạm phát được cho không quyết định mức cắt giảm lãi suất của Fed, mà thay vào đó sẽ phụ thuộc vào các chỉ số sắp tới về điều kiện thị trường lao động, như hồ sơ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) tháng 8, dự kiến công bố vào ngày 6/9.
Chủ tịch Fed Richmond, ông Tom Barkin, đã nói vào tuần trước rằng các quan chức Fed đang cố gắng tìm hiểu liệu kinh tế Mỹ có phải là một nền kinh tế đang dần trở lại trạng thái bình thường hay không. Điều này sẽ giúp Fed cắt giảm lãi suất đúng thời điểm và liều lượng.
Bởi vậy, các nhà kinh tế đang chờ thêm số liệu về chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 7 dự kiến được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào 31/8. Thước đo lạm phát ưa thích này của Fed đã giảm từ mức cao 7,1% hai năm trước xuống 2,5% vào tháng 6 vừa qua.
Sự sụt giảm này diễn ra theo từng giai đoạn, bắt đầu từ các mặt hàng như đồ điện tử, ô tô cũ khi nhu cầu cho những sản phẩm này giảm và chuỗi cung ứng được cải thiện sau những gián đoạn do đại dịch. Lạm phát dịch vụ, như sửa chữa ô tô, chăm sóc trẻ em và lưu trú khách sạn, cũng đã có sự cải thiện- điều được giải thích là một phần do tác động của việc chậm tăng lương.
Các báo cáo thu nhập gần đây cũng cho thấy các doanh nghiệp ở Mỹ cũng đang khó khăn hơn khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao và chống lại các đợt tăng giá mạnh trong ba năm qua. Tăng trưởng giá cả có thể tiếp tục chậm lại nếu cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trở nên gay gắt hơn.
Theo Trường Đặng/Diendandoanhnghiep.vn