Lạm phát trong tầm kiểm soát, nhưng lo ngại lãi suất đảo chiều tăng

Theo các chuyên gia, chính sách tiền tệ hiện nay ưu tiên lớn nhất là ổn định tỷ giá, nhưng cũng phải duy trì lãi suất không quá cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nếu Mỹ thực hiện áp thuế đối ứng ở mức cao lên nhiều quốc gia, dòng chảy thương mại bị xáo trộn sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư và lạm phát trên thế giới, nhưng theo chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS, sức ép lạm phát sẽ không đáng ngại, chưa đủ gây sức ép lên chính sách tiền tệ.

Theo VCBS, cầu tiêu dùng trong nước vẫn đang phục hồi tốt, nhưng chưa thực sự mạnh mẽ đủ tạo sức ép lên lạm phát. Hơn nữa, Việt Nam luôn có khả năng tự chủ về lương thực, nguồn cung hàng hóa - dịch vụ thiết yếu luôn được đảm bảo.

Đặc biệt, Chính phủ vẫn có trong tay một số công cụ và thể hiện quyết tâm ổn định mặt bằng giá như đảm bảo lộ trình điều chỉnh giá của một số mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu.

Vì thế, VCBS duy trì quan điểm lạm phát nằm trong mục tiêu và khả năng kiểm soát của Chính phủ, đây là cơ sở và dư địa để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng hài hòa các công cụ điều hành.

"Áp lực lạm phát nếu có, có thể ghi nhận vào cuối năm và đầu năm, do mức nền thấp của năm trước đó", chuyên gia VCBS nhận định.

Lạm phát có sức ảnh hưởng đến lãi suất, nhưng ông Nguyễn Hoài Linh - Trưởng phòng Nghiên cứu Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) nhận định, nhu cầu tiền của nền kinh tế chưa cao, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý I/2025 vẫn còn khá yếu, nhưng cần chú ý trong trường hợp áp lực tỷ giá cao.

Vì vậy, NHNN có thể sẽ phải có những biện pháp để bảo vệ đồng tiền, từ đó khiến mặt bằng lãi suất tăng thêm.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, nếu áp lực tỷ giá vẫn duy trì ở mức cao, lãi suất có thể tăng thêm nhưng mức tăng không đáng kể và có khả năng tăng vào cuối năm.

Số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến hết quý I/2025, mặt bằng lãi suất huy động mới gần như không thay đổi, chỉ tăng 0,08%, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024.

Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Cấp cao Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, trong khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn vững chắc, rủi ro thương mại và biến động tiền tệ có thể tác động đến các quyết định chính sách.

Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm đảm bảo ổn định tài chính và ứng phó linh hoạt trước những biến động kinh tế có thể xảy ra.

Hiện NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ đa mục tiêu, vừa phải đảm bảo hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát phù hợp, do đó giảm lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay có khả năng đạt được.

Trong nghiên cứu tại Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024 của Đại học Kinh tế Quốc dân, các chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục có các giải pháp cụ thể giảm lãi suất cho vay thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ và biện pháp quản lý thuộc chức năng.

NHNN cần điều tiết lãi suất một cách hợp lý, yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Cụ thể là cơ quan điều hành nên giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng tập trung vào các khách hàng yếu thế như doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp nông thôn.

Cũng như giảm phí tra cứu thông tin tín dụng tại Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) và giảm phí Bảo hiểm tiền gửi. Điều này sẽ giúp các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, từ đó giảm được lãi suất cho vay nhiều hơn.

Trong chia sẻ mới đây về điều hành chính sách cho tăng trưởng, ông Đinh Tuấn Minh - chuyên gia kinh tế từ Trung tâm Nghiên cứu Giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) cho rằng, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì phải đẩy tăng trưởng tiềm năng lên cao, bởi nếu kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn thì có thể dẫn đến "bong bóng" và sụp đổ.

Vì thế, việc điều hành chính sách phát triển kinh tế cần đảm bảo kéo lạm phát về ổn định, duy trì cung tiền hợp lý cũng như thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam./.

Hương Dịu

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/lam-phat-trong-tam-kiem-soat-nhung-lo-ngai-lai-suat-dao-chieu-tang.html