Lạm phát vượt 200%, Argentia tiếp tục chìm trong khủng hoảng
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Argentina sẽ suy giảm 2,5% trong năm 2024...
Theo dữ liệu từ cơ quan thống kê Argentina, tỷ lệ lạm phát tính trên cơ sở năm tại nước này lên tới 211,4% trong tháng 12/2023, cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế mà quốc gia Nam Mỹ cũng như tân Tổng thống Javier Milei đang phải đối mặt.
Tính trên cơ sở tháng, lạm phát tại Argentina là 25,5% trong tháng 12, tăng mạnh so với 12,8% của tháng trước. Đây là mức lạm phát tồi tệ nhất kể từ năm 1991, khi Argentia thoát khỏi giai đoạn siêu lạm phát.
Tình trạng lạm phát cao thường xuyên tại quốc gia Nam Mỹ xảy ra chủ yếu do các chính phủ tiền nhiệm phụ thuộc vào việc in tiền để phục vụ chi tiêu – hành động ông Milei phản đối kịch liệt khi tranh cử tổng thống.
Tuy nhiên, áp lực giá cả trầm trọng thêm trong tháng 12 khi chính quyền của tân Tổng thống phá giá mạnh đồng Peso và cho phép hết hiệu lực các hợp đồng cố định giá. Cả hai động thái này đều khiến giá cả hàng hóa tại nước này tiếp tục leo thang.
Theo các nhà kinh tế, lạm phát tháng 12 ở Argentina có thể đang tiền gần tới mức đỉnh của cuộc khủng hoảng lạm phát, và suy thoái kinh tế xảy ra có thể sẽ khiến giá cả không tăng thêm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Argentina sẽ suy giảm 2,5% trong năm 2024.
Ông Fernando Marull, giám đốc công ty tư vấn tài chính FMyA, cho biết sức mua tại Argentina đã giảm bình quân gần 10% trong tháng 12 khi lương tăng chậm hơn giá cả. Trong khi đó, một cuộc khảo sát định kỳ với các công ty bán lẻ của Hiệp hội Doanh nghiệp Quy mô vừa Argentina cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 12/2023 đã giảm 13,7% so với tháng 12 năm trước.
“Lạm phát và các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục tồi tệ trong ít nhất tháng 1 và tháng 2. Sau đó, nếu kế hoạch kinh tế của ông Milei thành công, chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự phục hồi”, ông Marull nói.
Khi lên nắm chính quyền, ông Milei đã đưa ra các kế hoạch cải cách kinh tế, mà ông mô tả là “liệu pháp sốc”. Tháng 12/2023, chính phủ công bố kế hoạch cắt giảm chi tiêu và tăng thuế nhằm chấm dứt thâm hụt tài chính trong năm nay.
Theo đường lối cực hữu, ông Milei tuyên bố sẽ Đô-la hóa nền kinh tế, đồng thời tư nhân hóa một số tập đoàn quốc doanh, bao gồm Tập đoàn năng lượng quốc gia YPF, Hãng hàng không Aerolíneas Argentinas. Chính phủ mới cũng đặt mục tiêu cắt giảm 20 tỷ USD thâm hụt ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, một số cải cách khác bao gồm thả nổi giá điện, giá thực phẩm và dịch vụ y tế, hợp pháp hóa việc sử dụng tiền điện tử, cắt giảm mạnh lao động trong khu vực công…
Tuy nhiên, kế hoạch trên của chính quyền Tổng thống Milei đối mặt nhiều thách thức, trong đó có vấn đề về người lao động. Ngoài ra, tính pháp lý cũng là một rào cản trên khi mà liên minh của ông Miler chiếm thiểu số trong Quốc hội, trong khi cần tới 2/3 số phiếu ửng hộ để thông qua những cải cách như chuyển đổi sang sử dụng đồng USD. Chưa kể, để thực hiện kế hoạch này, Argentina cần nguồn dự trữ ngoại hối lớn.
Theo các nhà phân tích, việc cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là bỏ trợ cấp về năng lượng và giao thông, sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình lớn tại Argentina trong vài tháng tới.
Sau vài tuần tương đối êm ả sau quyết định phá giá đồng nội tệ của Chính phủ mới, chênh lệch giữa tỷ giá chính thức của đồng Peso với tỷ giá chợ đen – một chỉ số quan trọng để đánh giá niềm tin của thị trường vào Chính phủ – đã tăng từ 18% vào đầu năm lên 30% hiện nay.
Tuy nhiên, giữa tuần này, IMF cho biết thỏa thuận giải ngân 4,7 tỷ USD từ khoản vay 43 tỷ USD của Chính phủ Argentina sẽ được trình lên ban điều hành của tổ chức này trong vài tuần tới. Nếu được phê chuẩn, khoản vay sẽ giúp Chính phủ Argentina trang trải nợ nần và triển khai các kế hoạch ứng phó khủng hoảng.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lam-phat-vuot-200-argentia-tiep-tuc-chim-trong-khung-hoang.htm