Lạm phát vượt 50%, người dân Sri Lanka vật lộn với từng bữa ăn
Trong bối cảnh vỡ nợ và tỷ lệ lạm phát tăng chóng mặt lên hơn 50%, người dân Sri Lanka đang phải vật lộn với cuộc sống và thậm chí còn phải cắt giảm bữa ăn của mình cùng nhiều loại thực phẩm thiết yếu khác.
Theo Reuters, trong tháng 6 vừa qua, tỷ lệ lạm phát của Sri Lanka đang đứng ở mức 54,6% do cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ diễn ra tại quốc đảo này. Thêm vào đó, tầm nhìn cho tương lai là không hề tươi sáng khi các nhà hoạch định chính sách dự đoán những điều mà chính phủ nước này làm được là không nhiều để hạ nhiệt chi phí tiêu dùng trong tương lai gần.
Trong khi chính phủ đang cố gắng tìm cách vật lộn để đưa ra các giải pháp cho tình hình tuyệt vọng hiện nay, quốc đảo 22 triệu dân này đang dần héo mòn vì thiếu hụt ngoại hối dẫn tới thiếu nhiên liệu, phân bón, thực phẩm và cả thuốc men.
Cuộc khủng hoảng này xảy ra sau khi đại dịch Covid-19 buộc nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch này lâm vào cảnh khó khăn. Thêm vào đó, lượng tiền gửi về từ những lao động nước ngoài bị sụt giảm cùng với khoản nợ lớn của chính phủ đã khiến giá dầu tăng vọt và nền nông nghiệp bị tàn phá vì lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học.
Lạm phát lương thực do đó đã đạt 80,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi chi phí vận tải tăng 128% theo dữ liệu chính thức của chính phủ. Với giá lương thực tăng phi mã, UNICEF báo cáo có tới 70% hộ gia đình tại đây ghi nhận mức tiêu thụ thực phẩm giảm.
Theo nhà kinh tế chuyên theo dõi lạm phát thực phẩm Rehana Thowfeek, để thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, một hộ gia đình tại Sri Lanka phải kiếm được từ 260 USD tới 413 USD một tháng. Tuy nhiên, thu nhập hộ gia đình trung bình của Sri Lanka chỉ là 212 USD mỗi tháng và 20% nghèo nhất chỉ kiếm được khoảng 49 USD. Để khiến tình hình tồi tệ hơn nữa, giá hầu hết các loại rau đều tăng hơn gấp đôi trong khi gạo, một mặt hàng chủ lực quan trọng, lại tăng hơn 1,5 lần.
Gia đình nhà bà nội trợ Sujeewa Nelum Perera với 4 thành viên là một trong nhiều hộ gia đình tại Sri Lanka đã quá quen thuộc với việc vật lộn kiếm ăn. Và khi giá tiêu dùng tăng kỷ lục, cả nhà cô bắt buộc phải cắt giảm số lượng bữa ăn trong ngày.
Thêm vào đó, chồng của cô Perera, một người lái xe kéo, đã không thể kiếm được bất kỳ đồng lương nào trong 2 tuần nay do nguồn dự trữ nhiên liệu trong nước ngày càng cạn kiệt và chính phủ buộc phải hạn chế cung cấp nhiên liệu cho mọi mục đích trừ các dịch vụ thiết yếu.
Để giảm thiểu tối đa chi phí, gia đình cô đã phải bỏ cá và thịt ra khỏi chế độ ăn trong khi sữa cũng đã trở thành một mặt hàng xa xỉ kể cả đối với 2 người con nhỏ của cô. Một mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác như trứng hiện cũng phải sử dụng tiết kiệm.
Nỗ lực của chính phủ
Hiện Sri Lanka đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để có được khoản cứu trợ 3 tỷ
USD. Tuy nhiên, việc này có thể sẽ tốn thêm vài tháng nữa trước khi được đưa vào thực hiện. Theo các nhà phân tích, tỷ lệ lạm phát tại đây có thể đạt đỉnh vào tháng 7 nhưng vẫn sẽ tiếp tục dao động quanh ngưỡng 50% cho tới hết năm nay và bắt đầu hạ nhiệt.
Theo bà Dimantha Mathew, nhà phân tích tại First Capital Research, dù có sự hỗ trợ từ các chương trình của IMF, tỷ lệ lạm phát sẽ chỉ xuống 10% tới 15% dự kiến vào khoảng tháng 6 năm sau.
Trước đó nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định nền tài chính, ngân hàng trung ương nước này đã tăng lãi suất kỷ lục lên tới 700 điểm cơ bản trong tháng 5. Dự kiến trong lần công bố chính sách tiếp theo hôm 7/7, tỷ lệ này vẫn sẽ được giữ nguyên.
Theo ông Mathew, lạm phát tại Sri Lanka chủ yếu cho chi phí tăng mạnh, đặc biệt là do giá nhiên liệu, Vì vậy, các động thái của ngân hàng trung ương gần như sẽ có tác động tương đối hạn chế.