Làm rõ cơ chế tự chủ về tài chính, bộ máy của tổ chức khoa học và công nghệ công lập
Chiều 6/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Thảo luận tại Tổ 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông và Phú Yên.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy điều hành phiên thảo luận.
Góp ý tại phiên họp, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều tán thành cao với sự cần thiết ban hành cũng như những nội dung trọng tâm được đề xuất tại các dự án Luật, đồng thời góp ý vào nhiều quy định cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi sau khi ban hành.
Liên quan tới dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Luật KH,CN&ĐMST), đại biểu Dương Bình Phú – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết, thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, trong đó đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp tập trung vào đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước, đặc biệt tập trung đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST; nâng cao tính minh bạch, đạo đức và liêm chính trong hoạt động KH&CN; thu hút đầu tư từ xã hội để phát triển KH,CN&ĐMST; ... Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật KH,CN&ĐMST sẽ thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH,CN&ĐMST để phát triển KH,CN, ĐMST&CĐS quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại,...

Đại biểu Dương Bình Phú – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên
Về tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy của tổ chức khoa học và công nghệ công lập là tự chủ như thế nào? khác gì so với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành? và làm rõ cơ sở chính trị và thực tiễn của đề xuất tự chủ tại dự thảo Luật; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ để hoàn thiện về vấn đề này.
Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị, dự thảo Luật cần quy định về cơ chế tài trợ linh hoạt, cho phép các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được nhận tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm nhà nước, doanh nghiệp và các quỹ đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu có quy định để đơn giản hóa thủ tục tài trợ, áp dụng cơ chế “tài trợ theo kết quả đầu ra” và khuyến khích hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10
Nêu quan điểm về dự án Luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, nội dung dự thảo Luật đã thể hiện quyết tâm cao trong việc xây dựng thể chế đột phá phát triển KH,CN&ĐMST; đồng thời tán thành với tên gọi của dự án Luật là “Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Cũng theo đại biểu tỉnh Đắk Nông để hoàn thiện dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát làm rõ hơn về nội hàm khái niệm đổi mới, sáng tạo; mở rộng và có cơ chế khuyến khích đối tượng cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học; quy định mức chi cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hợp lý, khả thi;...
Ngoài ra, các ý kiến đại biểu cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật để đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; đảm bảo đúng thẩm quyền của Quốc hội; có tính trọng tâm, trọng điểm;...

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Đối với dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, cần nhận định rõ ràng chủ thể tham gia các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đồng thời bổ sung thêm hoạt động quản lý nhà nước để Luật mang tính khoa học, dễ hiểu và đúng với mục đích, tính chất, nội dung thể hiện của Luật.
Về những hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm hành vi cấm “Khai thác, tiết lộ, sử dụng sai mục đích thông tin bí mật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”. “Bởi vì có một số đối tượng không có phận sự, trách nhiệm nắm giữ thông tin nhưng bằng cách nào đó cố tình khai thác người nắm giữ thông tin hoặc truy cập thiết bị nhằm nắm giữ các thông tin bí mật để tiết lộ, mua bán tin tức...”, đại biểu lý giải.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH) nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực chất lượng , đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thương mại, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu cũng góp ý vào nhiều nội dung cụ thể liên quan tới: phạm vi sửa đổi, bổ sung; nguyên tắc quản lý CLSPHH; Về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về CLSPHH;.../.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=93919