Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý một số dự án luật tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Ngày 6/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường và thảo luận tại tổ về một số dự án luật.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội tại hội trường sáng 6/5

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội tại hội trường sáng 6/5

Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự kỳ họp

Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự kỳ họp

Trong buổi sáng, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.

Trong số các đại biểu phát biểu tại hội trường, Đoàn ĐBQH tỉnh có 2 đại biểu phát biểu góp ý về dự thảo Luật Nhà giáo.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu góp ý dự thảo Luật Nhà giáo tại hội trường

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu góp ý dự thảo Luật Nhà giáo tại hội trường

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật Nhà giáo và góp ý vào một số điều, khoản cụ thể của luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm chính sách của Nhà nước trong việc phát triển các cơ sở giáo dục thực hiện chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo; bổ sung việc giao nhiệm vụ cho cơ sở giáo dục có trách nhiệm phổ biến, triển khai và giám sát thực hiện quy tắc ứng xử của nhà giáo…

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu góp ý dự thảo Luật Nhà giáo tại hội trường

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu góp ý dự thảo Luật Nhà giáo tại hội trường

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý vào điều 6 chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định nội dung Nhà nước có chính sách đặc thù trong quy hoạch, dành nguồn lực ưu tiên để xây dựng, nâng cấp, phát triển và hoàn thiện các cơ sở giáo dục mà thực hiện chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhà giáo. Về điều động nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập, đại biểu đề nghị cân nhắc thêm quy định về khoảng thời gian tối thiểu cần thiết, phù hợp, trên cơ sở tham khảo ý kiến đề xuất của nhà giáo, khoảng cách địa lý, trước khi quyết định điều động có hiệu lực để nhà giáo kịp thời sắp xếp, ổn định cuộc sống gia đình. Đại biểu đề nghị quy định bổ sung, làm rõ thêm quy định xử lý vi phạm đối với “Hành vi sử dụng mạng xã hội, phương tiện điện tử để đăng tải, phát tán, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo”.

Trong buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về 3 dự án luật: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Tổ 7 gồm 27 đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH 4 tỉnh: Lạng Sơn, Huế; Thái Nguyên; Kiên Giang tham gia thảo luận. Trong số các đại biểu thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh có 2 đại biểu phát biểu.

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ

Về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị bổ sung thêm quy định cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước để thuê chuyên gia, nhà khoa học có trình độ và kinh nghiệm. Tại Điều 9 về chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cơ chế dự báo và kiểm soát rủi ro, cũng như quy định rõ thời điểm dừng nhiệm vụ nghiên cứu trong trường hợp có đủ cơ sở khoa học, thực tiễn để xác định rằng nếu tiếp tục thực hiện sẽ không đạt được kết quả. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về việc xây dựng hạ tầng số ngành khoa học và công nghệ.

Về dự án Luật Năng lượng nguyên tử, đại biểu Lưu Bá Mạc góp ý vào kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp tỉnh được quy định tại khoản 3, Điều 60, có một phần nội dung chồng chéo về sự cố bức xạ và hạt nhân. Về quan trắc phóng xạ môi trường tại Điều 27, đại biểu đề nghị làm rõ hơn nội hàm việc phân cấp, bố trí kinh phí cho địa phương thực hiện dự án, quản lý, xây dựng, phát triển trạm quan trắc và cảnh báo môi trường phóng xạ, nhất là các tỉnh biên giới.

Đại biểu Chu thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đại biểu đề nghị bổ sung nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân phải thực hiện đúng tiêu chuẩn đã công bố. Theo đại biểu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần được giao trách nhiệm kiểm tra hậu kiểm định kỳ hoặc đột xuất đối với các sản phẩm đã công bố tiêu chuẩn, cần áp dụng xử phạt tăng nặng đối với hành vi công bố tiêu chuẩn sai sự thật, không đúng với thực tế; cần tăng cường minh bạch hóa và công khai tiêu chuẩn sản phẩm đã công bố.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định bắt buộc áp dụng mã truy xuất nguồn gốc (QR code) cho các nhóm sản phẩm có nguy cơ cao hoặc nằm trong danh mục hàng hóa kiểm soát chất lượng đặc biệt; tích hợp hệ thống phản ánh, khiếu nại từ người tiêu dùng qua ứng dụng số hoặc cổng thông tin, cho phép gửi bằng chứng (hóa đơn, hình ảnh, video) trực tiếp đến cơ quan chức năng. Đại biểu cho rằng cần tăng cường phối hợp liên ngành trong phát hiện và xử lý hàng giả, hàng nhái; cần quy định rõ về đầu mối phối hợp liên ngành, do một cơ quan chủ trì phụ trách điều phối; quy định trách nhiệm chia sẻ thông tin, điều tra chung và xử lý đồng bộ. Đại biểu đề nghị tăng mức xử phạt hành chính, đặc biệt đối với hành vi cố tình tái phạm hoặc làm giả nhãn hiệu, xuất xứ, tiêu chuẩn công bố; bổ sung quy định về công khai danh tính doanh nghiệp vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin của cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tối thiểu 12 tháng.

Nhóm PV-CTV

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-gop-y-vao-mot-so-du-an-luat-tai-ky-hop-quoc-hoi-thu-9-5046261.html