Làm rõ nguyên nhân hơn 100 dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai
Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội, sáng nay 20/7, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát dẫn đầu Đoàn công tác của Quốc hội, đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021'.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến thành viên đoàn đề nghị tỉnh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm khi có tới hơn 100 dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, giám sát là để xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện việc ban hành, triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đề nghị cần tập trung giám sát việc ban hành văn bản theo thẩm quyền của tỉnh; việc thực hiện các nội dung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP); những kiến nghị, đề xuất về hoàn thiện pháp luật và các giải pháp giải quyết vướng mắc, nâng cao hiệu quả THTK CLP trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2016-2021, hàng năm, tỉnh Thanh Hóa triển khai và ban hành chương trình THTK, CLP tại địa phương; trong đó đã tiết kiệm hơn 2.400 tỉ đồng từ cắt giảm bình quân 10% chi thường xuyên và kinh phí hội họp, đi công tác. Về thẩm định dự án đầu tư công, trên 400 dự án sử dụng vốn đầu tư công được trình quyết định chủ trương đầu tư, qua đó đã cắt giảm các chi phí theo đề xuất của chủ đầu tư, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước trên 348 tỉ đồng.
Tổ công tác cho rằng, việc xây dựng dự toán thu, chi không sát với thực tế nên số vượt thu tăng cao, số chuyển nguồn còn lớn. Đó là tiền đề dẫn đến thất thoát nguồn thu, lãng phí vốn đầu tư. Trong đầu tư công, theo báo cáo của tỉnh thì không có công trình, dự án đã nghiệm thu nhưng không phát huy hiệu quả đầu tư, tuy nhiên báo chí nêu lên 8 công trình dự án triển khai kéo dài, đầu tư không dứt điểm, kém hiệu quả. Qua thanh tra 558 dự án được giao đất, cho thuê đất cho thấy, còn 109 dự án chậm tiến độ và vi phạm pháp luật đất đai.
Bà VŨ THỊ LƯU MAI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội: “Còn nhiều dự án dở dang trên địa bàn. 1.617 dự án được giao đất và thuê đất, chiếm 7.863ha, nhưng có 247 dự án chậm tiến độ chiếm 15,28%, có dự án chưa quá 24 tháng tiếp tục được gia hạn. Dưới góc độ THTK, CLP, một thời gian dài không sử dụng chắc chắn gây lãng phí nguồn lực.”
Ông VŨ TUẤN ANH, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội:“Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Thanh Hóa có 110 dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai, với diện tích 278,95ha. Trong đó có 98 dự án chậm tiến độ, sử dụng đất quá 24 tháng và chủ yếu ;à do năng lực của chủ đầu tư. Mới xử lý thu hồi 1 dự án, với diện tịch 2,26ha. Đề nghị tỉnh rà soát và làm rõ số lượng, diện tích dự án phải thu hồi, nguyên nhân, trách nhiệm.”
Ý kiến khác đề nghị làm rõ số lượng dự án đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa phê duyệt quyết toán.
Ông ĐINH VĂN NHÃ, chuyên gia: “Tôi cộng còn khoảng 200, không biết đúng hay sai. Đấy là dự án trong phạm vi của tỉnh, còn rất nhiều dự án nhỏ gắn với chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới... thì quyết toán thế nào, chưa rõ tiết kiệm, lãng phí thế nào?”
Số chi thường xuyên của tỉnh Thanh Hóa năm sau liên tục cao hơn năm trước. Tỉ lệ chi thường xuyên của tỉnh chiếm tỷ trọng cao, tới 62,5% (cao hơn mức bình quân chung cả nước). Từ đây, một số ý kiến cũng đề nghị tỉnh làm rõ tính thực chất của việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên hay tăng dự toán để lại 10% là tiết kiệm?
Thực hiện : Khắc Phục Cao Hoàng