Làm rõ những khó khăn, bất cập trong thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn

Ngày 21/3, Ban kinh tế và Ngân sách-HĐND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Ứng Hòa, Thường Tín về việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đoàn giám sát đi khảo sát thực tế tại cơ sở sản xuất rau hữu cơ trên địa bàn Thường Tín.

Đoàn giám sát đi khảo sát thực tế tại cơ sở sản xuất rau hữu cơ trên địa bàn Thường Tín.

Cùng đi với Đoàn có đại diện một số sở, ngành TP. Sau khi khảo sát thực tế một số địa điểm, Đoàn giám sát đã làm việc với UBND huyện.

Đề xuất miễn tiền thuế đất, thuê đất

Theo báo cáo của UBND huyện Ứng Hòa, huyện đã hoàn thành việc lập, phê duyệt Đề án và Đồ án xây dựng nông thôn mới cho 28/28 xã trong huyện. Đến nay, huyện có 28/28 xã (đạt 100%) đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới năm 2022.

Cùng đó, sản xuất nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ, Nhân dân đã áp dụng nhiều những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tích cực, hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản, khu chăn nuôi xa khu dân cư… Thực hiện ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ, cơ cấu ngành: Nông nghiệp chiếm 34,5%; Công nghiệp - Xây dựng chiếm 28,3%; Thương mại - dịch vụ chiếm 37,2%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 61,5 triệu đồng/người/năm...

Đoàn giám sát tiến hành khảo sát thực tế tại cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Ứng Hòa

Đoàn giám sát tiến hành khảo sát thực tế tại cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Ứng Hòa

Mặc dù có nhiều cố gắng, song lãnh đạo huyện cũng nhận định, hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc tranh thủ cơ chế chính sách như đầu tư hạ tầng sản xuất chưa được thực hiện. Việc hỗ trợ đào tạo nghề về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường phục vụ phát triển liên kết chưa thực hiện được do vốn còn rất hạn chế;

Từ thực tế đó, UBND huyện đề nghị TP miễn từ 3-5 năm tiền thuế, tiền thuê đất khi các tổ chức cá nhân khi thuê đất xây dựng cơ sở chế biến bảo quản nông sản sau thu hoạch; Hỗ trợ 100% kinh phí kiên cố hóa kênh mương; Giao chỉ tiêu hỗ trợ cho các địa phương thực hiện Nghị quyết mới về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm...

Một số làng nghề bị mai một

Báo cáo với Đoàn giám sát, lãnh đạo huyện Thường Tín cho biết, thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2019-2022, huyện đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân, triển khai sản xuất theo quy hoạch. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển sản xuất, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường.

Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND TP Hà Nội Hồ Vân Nga phát biểu tại buổi làm việc tại huyện Ứng Hòa

Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND TP Hà Nội Hồ Vân Nga phát biểu tại buổi làm việc tại huyện Ứng Hòa

Giai đoạn 2019-2022 huyện đã hỗ trợ giống lúa 13,5 tỷ đồng với lượng giống 718,6 tấn; Hỗ trợ cây vụ đông 1,9 tỷ đồng; hỗ trợ thuốc diệt chuột năm 2020-2021 với lượng 711kg. Diện tích làm đất và thu hoạch được 100% cơ giới hóa, diện tích cơ giới hóa đồng bộ trên địa bàn năm 2020-2022 đối với vụ xuân 455,54ha và vụ mùa 526,7ha. Tổng Kinh phí nạo vét kênh và cải tạo 3 trạm bơm năm 2021-2022 khoảng 20,7tỷ đồng với 106 tuyến kênh, dài 55,54km.

Đồng thời, huyện tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương theo chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc xuất xứ để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm làng nghề của huyện; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông thôn.

Triển khai thực hiện nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 của HĐND TP, huyện đã hỗ trợ tập huấn cho nông dân trong vùng chuyên canh tập trung các lớp về lĩnh vực trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi. Từ năm 2019 đến 31/12/2022 đã có 7 lớp được tổ chức, trong đó 3 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa, 4 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cây ăn quả cho 420 nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã trong vùng cây ăn quả, lúa, tập trung. Với phương thức tập huấn được đổi mới, nội dung tập huấn thực hiện trên cơ sở đáp ứng nhu cầu thực tế tại các vùng và theo phương pháp trao đổi, tọa đàm nên thu hút được người tham dự. Qua đó giúp các hộ nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng

Thực hiện nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 4/12/2019 của HĐND TP Hà Nội, đến nay toàn huyện đã được cơ quan có thẩm quyền cấp bảo hộ 6 nhãn hiệu tập thể gồm: làng nghề sơn mài Hạ Thái – Duyên Thái; nhãn hiệu tập thể thêu Thường Tín; hoa cây cảnh Hồng Vân; làng nghề truyền thống điêu khắc mộc; làng nghề truyền thống làm lược sừng Thụy Ứng xã Hòa Bình; làng nghề thêu thôn Cổ Chất xã Dũng Tiến. Đồng thời, giai đoạn 2019-2022, huyện đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT triển khai xây dựng thương hiệu 7 làng nghề.

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Ứng Hòa

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Ứng Hòa

Tuy nhiên, khó khăn trong việc phát triển làng nghề là sự phát triển của nền kinh tế thị trường dẫn tới một số làng nghề đã bị mai một các giá trị truyền thống. Thay thế cho các sản phẩm truyền thống đó là những sản phẩm kém chất lượng giá thành thấp và chỉ có những giá trị tức thời. Người sản xuất chỉ sản xuất ra những sản phẩm theo những đơn đặt hàng của đối tác cả về mẫu mã và kiểu dáng, các mặt hàng truyền thống được sản xuất ra còn hạn chế. Nhiều mặt hàng thủ công chưa được xây dựng thương hiệu, chỉ giới địa lý. Cùng đó, việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu của làng nghề gặp nhiều khó khăn nhất là trong việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề đối với thị trường trong nước và những sản phẩm xuất khẩu.

Huyện Thường Tín đề nghị TP xem xét hỗ trợ hoàn thiện xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể 3 làng nghề: điêu khắc thôn Nhân Hiền xã Hiền Giang; cước lưới Trần Phú xã Minh Cương; mộc mỹ nghệ thôn Phúc Trạch xã Thống Nhất đã được Sở Công thương hỗ trợ xây dựng 3 nội dung, còn 2 nội dung chưa được hỗ trợ.

Nêu rõ khó khăn, bất cập để có giải pháp tháo gỡ

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đánh giá cao sự quan tâm của 2 huyện trong triển khai các cơ chế chính sách từ Trung ương đến TP trong hỗ trợ nông nghiệp nông thôn. Các huyện đã chủ động xây dựng đề án, kế hoạch và triển khai với nhiều biện pháp, giải pháp... nên rất nhiều sản xuất nông nghiệp của huyện đã có vùng sản xuất tập trung và có thương hiệu.

Đối với huyện Ứng Hòa, Đoàn giám sát cho rằng, thực hiện nghị quyết số 10 của HĐND TP, huyện mới tiếp cận được 5/13 nội dung hỗ trợ, còn nhiều nội dung chưa triển khai được, do bản thân thiết kế chính sách có vướng, hướng dẫn, cụ thể hóa chính sách còn bất cập; Nhiều chính sách chưa đến được với người nông dân, hoặc đến rồi nhưng chưa hiệu quả. Ghi nhận những vướng mắc khó khăn, kiến nghị của huyện về những đề xuất định hướng trọng tâm để hỗ trợ. “Quan điểm ban hành chính sách phải là hiệu quả chung của xã hội phải là hàng đầu” – Đoàn giám sát nhấn mạnh.

Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Thường Tín chiều 21/3

Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Thường Tín chiều 21/3

Với huyện Thường Tín, Đoàn giám sát ghi nhận những vướng mắc, bất cập và đề nghị ngoài kiến nghị chính sách với TP huyện cần bổ sung kỹ đề xuất liên quan đến sửa đổi Luật Đất đai để Ban tổng hợp, báo cáo với Đoàn ĐB Quốc hội TP.

Liên quan đến triển khai các chính sách của TP để phát triển nông nghiệp trên địa bàn mới thực hiện được 3/12 chính sách, dù huyện quan tâm nhưng do triển khai trên thực tế còn nhiều khó khăn vướng mắc, bất cập. Đoàn giám sát đề nghị UBND huyện Thường Tín chỉ đạo, tổng hợp, bổ sung đầy đủ, chi tiết những vướng mắc bất cập trên thực tế để gửi tới Đoàn giám sát nhằm có cơ sở đề xuất sửa đổi, tháo gỡ khó khăn, góp phần nâng cao hiệu quả chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống.

Thịnh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-ro-nhung-kho-khan-bat-cap-trong-thuc-hien-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon.html