Làm rõ quan hệ giữa các lực lượng trong bảo vệ ANTT ở cơ sở

Sáng 20-6, thảo luận ở tổ về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội đánh giá dự thảo Luật đã được hoàn thiện kỹ lưỡng sau lần đầu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV; đồng thời đề nghị làm rõ mối quan hệ công tác giữa lực lượng này với các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở.

Thảo luận tổ tại Đoàn thành phố Hà Nội.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) cho rằng: Việc thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở không mới, chỉ là tổ chức lại các lực lượng hiện có, trên cơ sở quy định pháp luật. Đại biểu khẳng định, từ khi thành lập nước đến nay, Đảng ta đã xác định, công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tư an toàn xã hội, phòng chống tội phạm là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Do vậy, cần có cơ chế huy động toàn bộ hệ thống vào thực hiện nhiệm vụ này.

“Qua nghiên cứu nhiều tài liệu quy định về tỷ lệ số dân trên biên chế của cảnh sát một số nước, hiện tỷ lệ số dân/công an của Hà Nội khoảng 500 dân/1 công an. Ở Mỹ, tỷ lệ số dân/cảnh sát là 363/1, Pháp 280/1, Trung Quốc 479/1, Campuchia 200/1, Nhật Bản 291/1… Nhìn chung tại các nước, tỷ lệ 200-300 dân/ công an. Đây chỉ là tỷ lệ cảnh sát/dân, nhưng khái niệm công an rộng hơn khái niệm cảnh sát. Cảnh sát các nước chỉ làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, không bao gồm an ninh, phòng cháy, chữa cháy, cảnh vệ, quản lý giam giữ… Trong khi đó, Hà Nội có tỷ lệ 500 dân/ công an mà phải làm rất nhiều việc”, đại biểu Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hải Trung, gần 10 năm nay công an không được tăng biên chế. Tại một số nước, không chỉ tỷ lệ số dân/cảnh sát thấp mà trình độ khoa học công nghệ của họ rất phát triển, luật pháp đồng bộ. Do vậy, tại Việt Nam, việc có một lực lượng tăng cường, hỗ trợ cho công an là rất cần thiết.

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, việc kiện toàn, thống nhất các lực lượng công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng sẽ góp phần bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở một cách đồng bộ, thống nhất. Bên cạnh đó, việc này cũng làm tinh gọn đầu mối chức danh theo chủ trương chung hiện nay…

Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành thảo luận.

Nêu 2 vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay, đại biểu Lê Nhật Thành nêu quan điểm, lực lượng công an xã bán chuyên trách đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở cùng lực lượng công an chính quy; tuy nhiên lại chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về nhiệm vụ công an xã bán chuyên trách được thực hiện khi tham gia bảo vệ an ninh, trật tự; các điều kiện bảo đảm cũng chưa phù hợp…

“Công an chính quy nắm chắc về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, tình hình địa bàn còn nhiều hạn chế. Do đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ có vai trò quan trọng”, đại biểu nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy khẳng định, việc phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể trong bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là hết sức quan trọng. Tuy nhiên đại biểu cho rằng dự thảo Luật mới chỉ khái quát mối quan hệ công tác với HĐND, UBND, Công an cấp xã và quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã; chưa thể hiện rõ về mặt quan hệ giữa các bên trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ chung.

“Chúng tôi nhận thấy có tâm lý tại cơ sở xác định nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự là của lực lượng Công an; việc tham gia của các tổ chức khác khá bị động, chưa thực sự tích cực. Với Luật này, tôi kỳ vọng không chỉ xây dựng lực lượng nòng cốt mà phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở”, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nói.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1067632/lam-ro-quan-he-giua-cac-luc-luong-trong-bao-ve-antt-o-co-so