Làm rõ sai phạm trong việc cấp đất 'trên giấy' tại Quảng Sơn

Hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cấp đất ở theo Chương trình 132 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2004, đến nay đã gần 19 năm đất vẫn chỉ nằm trên giấy, còn người dân lại phải sống trong cảnh dột nát, câu chuyện nghe qua tưởng như đùa nhưng lại đang xảy ra tại bon R'Long Phe, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Hàng chục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được người dân lưu giữ gần 19 năm nay nhưng đất trên thực tế lại thuộc quyền sử dụng của người khác.

Hàng chục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được người dân lưu giữ gần 19 năm nay nhưng đất trên thực tế lại thuộc quyền sử dụng của người khác.

Năm 2004, gia đình ông K’N Đông ở bon R’Long Phe được Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong (trước đây là Ủy ban nhân dân huyện Đắk Nông) cấp 1 lô đất ở theo Chương trình 132 của Thủ tướng Chính phủ, với diện tích 400m2. Sau khi được trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiến hành bàn giao đất trên thực địa, ông K’N Đông phát hiện diện tích đất được cấp là đất của một hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác tại địa phương đang sử dụng. Nhiều năm qua, gia đình liên tục kiến nghị chính quyền địa phương các cấp, kiến nghị tại các kỳ họp hội đồng, các đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nhưng vẫn không được giải quyết.

“Sau khi chúng tôi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cùng với chính quyền xã Quảng Sơn tiến hành cắm mốc, ranh giới trên thực địa phát hiện đất trên thực tế đang là chủ sở hữu của người khác, họ cấm không cho đo đất, lúc này có cả cán bộ của xã Quảng Sơn nhưng họ cũng không nói gì. Hai ngày sau chúng tôi lên Ủy ban nhân dân xã để thông báo, đề nghị được giải quyết vụ việc nhưng cũng không được trả lời. Tiếp sau đó, rất nhiều lần chúng tôi đã làm đơn kiến nghị các cấp nhưng đến nay vẫn không được giải quyết”, ông K’N Đông buồn bã cho biết.

14 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông được cấp đất theo Chương trình 132 nhưng đất chỉ nằm trên giấy, còn thực tế đất không có.

14 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông được cấp đất theo Chương trình 132 nhưng đất chỉ nằm trên giấy, còn thực tế đất không có.

Tương tự, gia đình ông K’Pêm cũng được cấp 1 lô đất ở tại bon R’Long Phe. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được trao cách đây gần 19 năm, nhưng chỉ là cấp trên giấy còn thực tế lại không có đất. Đến nay, gia đình 3 thế hệ của ông K’Pêm phải chung sống trong một căn nhà chật hẹp được làm trên đất bố mẹ bên vợ cho mượn, sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày gặp rất nhiều khó khăn.

Ông K’Pêm cho biết, chúng tôi đều là hộ nghèo, không có tiền mua đất, khi nghe tin được Đảng, Nhà nước quan tâm cấp đất ở, đất sản xuất để giúp bà con ổn định cuộc sống, thoát nghèo thì bà con mừng lắm, thầm cảm ơn Đảng, Nhà nước đã kịp thời quan tâm tới người nghèo vùng dân tộc thiểu số. Thế nhưng, khi đi nhận đất thì không có đất trên thực tế, còn bị người ta rượt đuổi ra khỏi khu vực đất được cấp theo địa chỉ ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hàng chục năm nay bà con đồng bào nơi đây làm đơn kiến nghị lên các cấp nhưng không thấy quan tâm giải quyết, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ xem ai làm sai, sai ở đâu, đồng thời sớm cấp đất cho bà con theo quy định.

Trưởng bon R’Long Phe, K’Năm bức xúc, cho biết, toàn bộ 14 hộ được cấp đất đều là hộ nghèo, do không có đất ở nên hàng chục năm nay phải sống nhờ trên đất của bố mẹ, người thân. “Thay vì nhận thấy sai sót phải đẩy nhanh tiến độ giải quyết sự việc, sớm cấp đất cho dân thì cách đây khoảng 2 tháng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn Lê Đình Tuấn lại gọi tôi lên phòng làm việc nói tôi về vận động 14 hộ dân trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không khiếu nại đòi đất nữa. Nếu bà con làm như vậy, đổi lại xã sẽ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân trên diện tích đất đang sinh sống, đồng thời hứa sẽ miễn toàn bộ chi phí làm các thủ tục liên quan”?.

Theo Quyết định 132/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/10/2002, năm 2004, Ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn đã tiến hành rà soát, cấp đất sản xuất, đất ở cho người dân được thụ hưởng. Qua rà soát, bon R’long Phe có 14 hộ đủ điều kiện cấp đất. Sau đó, Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong đã ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân và tiến hành bàn giao mốc giới trên thực địa. Tuy nhiên, khi bàn giao hiện trạng trên thực tế thì phát hiện cấp nhầm lên đất của người dân thôn 1C cùng xã.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn Lê Đình Tuấn cho biết, địa phương đã phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường xuống làm việc, họp dân để thống nhất phương án xử lý. Tuy nhiên, đến nay sự việc trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Huyện, xã cũng đã trả lời bằng văn bản nhưng bà con vẫn còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục đưa số hộ dân nêu trên vào diện thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất, đồng thời có thể linh hoạt chuyển đổi nghề nghiệp cho họ.

Sự việc nêu trên đã kéo dài gần 19 năm nay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn cho biết đã phối hợp với phòng chức năng của huyện giải quyết nhiều lần. Tuy nhiên, khi được hỏi thì Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong Nguyễn Văn Hợp lại cho biết, đang chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thu thập toàn bộ hồ sơ, tài liệu, báo cáo phương hướng, khi có thông tin cụ thể rồi mới có cơ sở để trao đổi với báo chí?.

Chương trình 132 với mục đích xóa đói, giảm nghèo cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm cho đồng bào sống bằng nghề sản xuất nông, lâm nghiệp có đất sản xuất và đất ở để ổn định cuộc sống, từng bước nâng cao đời sống, tăng cường khối đoàn kết dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh…

Theo quy định, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì quy trình thủ tục rất chặt chẽ, phải thông qua rất nhiều khâu, cấp theo luật định, trong đó yếu tố quyết định vẫn là đất trên thực địa. Thế nhưng không hiểu vì sao đất không có trên thực địa mà chính quyền địa phương vẫn cấp được đất trên giấy cho người dân.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước đang bị một số cán bộ, công chức tại Đắk Nông làm cho sai lệch, méo mó, không phát huy được hiệu quả, khiến giảm sút niềm tin của nhân dân đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo tại xã Quảng Sơn nói riêng. Sai phạm đã kéo dài hàng chục năm nay, nhưng chúng tôi không hiểu vì sao mà không có tổ chức, cá nhân nào bị xử lý, chịu trách nhiệm, vụ việc cũng không được khắc phục.

CHẤN HƯNG-KHẢI HOÀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lam-ro-sai-pham-trong-viec-cap-dat-tren-giay-tai-quang-son-post725858.html