Làm rõ tính khả thi khi triển khai đồng loạt nhiều dự án giao thông
Chiều 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân, khởi công nhiều dự án mới Đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam Gỡ điểm nghẽn vật liệu, đảm bảo tiến độ cao tốc Bắc - Nam Đề xuất đầu tư hơn 161.000 tỷ đồng cho dự án Vành đai 4 Thủ đô, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh
Tránh gây áp lực trong cân đối vốn
Tại các tờ trình, Chính phủ cho biết sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng là khoảng 44.691 tỷ đồng, của dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là khoảng 21.935 tỷ đồng, dự án Biên Hòa -Vũng Tàu là khoảng 17.837 tỷ đồng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án này với những lý do đã nêu tại tờ trình Chính phủ nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ tính cấp thiết, khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng giao thông đối với lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu.
Về nguồn vốn, nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) giai đoạn 2021 - 2025 đã được phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải dự kiến bố trí cho các dự án này khoảng 33.494 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 7.348 tỷ đồng từ rà soát, cắt giảm, cân đối lại KHĐTCTH giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải. Cơ quan thẩm tra đề nghị cần báo cáo, làm rõ hơn để bảo đảm sự phù hợp, khả thi, tránh gây áp lực trong cân đối vốn, ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai, khả năng hoàn thành các dự án khác.
Cùng với đó, nguồn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bố trí cho các dự án này khoảng 9.620 tỷ đồng. Tuy nhiên, UBTVQH vẫn chưa nhận được báo cáo về danh mục phân bổ vốn theo yêu cầu của Nghị quyết 43.
Đối với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương (NSTW) năm 2021, dự kiến bố trí cho các dự án này khoảng 13.796 tỷ đồng. Trong tổng số NSTW năm 2021 vượt thu khoảng 53.000 tỷ đồng, Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ dự kiến bố trí cho 3 dự án đường cao tốc khoảng 13.796 tỷ đồng là khá lớn (trên 25%) trong khi việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cần tuân thủ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên theo quy định Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, đề nghị báo cáo bổ sung, làm rõ vấn đề này.
Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia đầu tư các dự án này khoảng 8.358,5 tỷ đồng, chiếm 12,4% nhu cầu đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 của 3 dự án này. Theo quy định của pháp luật, khi quyết định chủ trương đầu tư phải quyết định tổng mức vốn và cơ cấu vốn. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cam kết bố trí 670 tỷ đồng, chưa có nghị quyết của Hội đồng nhân dân các tỉnh còn lại cam kết số vốn bố trí. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần bổ sung, làm rõ để bảo đảm tính khả thi cho các dự án này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Một vấn đề nữa Ủy ban Kinh tế nêu ý kiến là về tiến độ hoàn thành. Theo cơ quan thẩm tra, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc trong cùng một thời gian, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn. Do đó, việc triển khai các dự án này sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, thi công để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho các dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.
Không dàn trải chính sách đặc thù
Thảo luận về nội dung này, các thành viên UBTVQH cơ bản đồng tình với các nội dung trong tờ trình và báo cáo thẩm tra cũng như sự cần thiết đầu tư các dự án này. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định đây là những dự án rất quan trọng đối với các địa phương vùng miền Trung – Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, được cử tri và nhân dân mong đợi.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng còn nhiều nội dung cần được làm rõ để bảo đảm tính thuyết phục của các dự án. Cho rằng việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện cần tương xứng với năng lực, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tiến độ phân kỳ đầu tư như dự kiến là chưa đảm bảo tính khả thi, bởi mục tiêu là đến năm 2025 phải cơ bản hoàn thành các dự án, nhưng bây giờ đã là giữa năm 2022. Cùng một lúc "ào ạt" nhiều dự án như thế này, sau này nếu không xong được thì ai chịu trách nhiệm, Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi và khẳng định dù muốn làm nhanh nhưng cũng phải tương xứng với năng lực, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong nghị quyết của Quốc hội cần thể hiện rõ cam kết chịu trách nhiệm - trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính của từng cấp. “Quyền phải đi liền với trách nhiệm, với những việc đại sự không thể chỉ bấm nút thông qua, rồi sau đó làm đến đâu hay đến đấy, được chăng hay chớ rồi không hoàn thành trách nhiệm” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, UBTVQH thống nhất với sự cần thiết đầu tư 3 dự án, việc đầu tư 3 dự án này phù hợp với chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, qua thảo luận, còn nhiều vấn đề, nội dung cần bổ sung, làm rõ.
Nhấn mạnh diện tích đất phải thu hồi trong 3 dự án là rất lớn, liên quan đến nhiều địa phương, làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần báo cáo rõ phương án, giải pháp đảm bảo thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân và tiến độ thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại các cơ chế, chính sách đặc thù, chỉ đề nghị Quốc hội những cơ chế cấp bách, thực sự cần thiết, tương ứng với việc bố trí các nguồn vốn, không dàn trải chính sách đặc thù, làm phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chính phủ dự kiến sau khi các dự án hoàn thành sẽ thực hiện nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn hoàn trả vào NSTW. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế lưu ý cơ chế nhượng quyền thu phí, tổ chức thu phí các dự án đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vẫn chưa được ban hành. Ngoài ra, qua giám sát, cơ quan thẩm tra nhận thấy các quy định và tổ chức thực hiện về thu phí tự động không dừng của các dự án giao thông BOT vẫn còn hạn chế, bất cập chưa được khắc phục, do đó có thể ảnh hưởng lớn đến việc thu hút các nhà đầu tư tham gia nhượng quyền thu phí. Vì vậy, đề nghị khẩn trương rà soát, sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về thu phí để bảo đảm thực hiện thành công việc nhượng quyền thu phí.