Làm rõ trách nhiệm chậm phân bổ kinh phí chi thường xuyên
Đến nay số tiền các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ là 3.000 tỷ đồng; đồng thời hiện còn 12.040 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương Bộ Tài chính chưa thống nhất phân bổ.
Theo quy định, về kinh phí thường xuyên, chậm nhất đến ngày 31/12/2023 phải thực hiện phân bổ và giao dự toán đến các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc.
Nhưng, đến nay số tiền các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ là 3.000 tỷ đồng; đồng thời hiện còn 12.040 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương Bộ Tài chính chưa thống nhất phân bổ.
Sự chậm trễ trên được nêu tại báo cáo thẩm tra sơ bộ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội.
Báo cáo này được trình bày trong phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 13/5.
Về triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Thường trực cơ quan thẩm tra nhận xét, về cơ bản tình hình hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán và thông báo nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) đã bảo đảm thời gian quy định.
Với sự chậm trễ phân bổ kinh phí chi thường xuyên như trên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đôn đốc, khẩn trương phân bổ, giao số dự toán còn lại; đồng thời, tăng cường rà soát, kiểm tra việc phân bổ và giao dự toán theo đúng quy định của Luật NSNN và làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm.
Đề cập các khoản chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, phân bổ, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, đến nay, Chính phủ chưa có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về việc phân bổ số kinh phí chưa phân bổ của NSTW là 43.281,077 tỷ đồng. Đề nghị Chính chỉ đạo khẩn trương xây dựng phương án phân bổ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo đúng quy định, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nói.
Về thu nội địa, báo cáo thẩm tra nêu rõ, phần lớn các địa phương lập dự toán thấp, nhưng lại giao cao hơn so với dự toán trung ương giao, có 41/63 địa phương quyết định dự toán thu cao hơn dự toán trung ương giao.
Việc địa phương giao thu cao hơn ngay sau khi trung ương quyết định cho thấy công tác lập dự toán còn chưa sát. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có giải pháp khắc phục tình trạng này để việc xây dựng dự toán NSNN trong những năm tới đảm bảo sát với tình hình thực tế, báo cáo nêu.
Đề cập chi và cân đối NSNN, ông Mạnh báo cáo, tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển còn khá chậm, mới đạt 13,3% dự toán Quốc hội quyết định, sẽ tạo áp lực khá lớn trong những tháng còn lại.
Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách cho rằng, cùng với việc còn một lượng vốn xây dựng cơ bản chưa được phân bổ, thì thời gian triển khai thực hiện nhiệm vụ đề ra càng cấp bách, đặc biệt là đối với các địa phương cần phải giải ngân trước thời điểm vào mùa mưa sắp tới.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cũng đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo cụ thể, rõ hơn về tình hình bố trí thu hồi số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; thực trạng và việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
Nội dung đề nghị báo cáo còn có tình hình triển khai thực hiện, giải ngân 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó làm rõ tiến độ thực hiện, giải ngân vốn chuyển nguồn sang năm 2024 đã được Quốc hội cho phép của Chương trình mục tiêu quốc gia. Tình hình thực hiện, giải ngân vốn ODA, các giải pháp khắc phục tình trạng giải ngân chậm, phải thực hiện hủy dự toán, trong đó có việc nghiên cứu chế tài xử lý đối với việc trả lại kế hoạch vốn do nguyên nhân chủ quan theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết số 104/2023/QH15.
Liên quan đến cân đối NSNN, ông Mạnh dẫn báo cáo của Chính phủ, đến hết tháng 4/2023 đã thực hiện phát hành gần 80,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn 11,53 năm, lãi suất bình quân 2,24%. Nhiều ý kiến cho rằng, so với năm 2021 và năm 2022, mặc dù lãi suất có xu hướng giảm song kỳ hạn TPCP phát hành ngắn hơn. Điều này tạo sức ép kế hoạch trả nợ gốc của NSNN. Do vậy, đề nghị có phương án phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp trong giai đoạn cuối năm, bảo đảm kỳ hạn vay dài và lãi suất bình quân ở mức hợp lý, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn vay, ông Mạnh báo cáo.