Làm sạch bầu không khí của Thủ đô
Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp để thực hiện được lộ trình đưa không khí về ngưỡng an toàn với sức khỏe con người, trong vòng 5 năm tới.
Với mục tiêu 75-80% số ngày trong năm đạt chất lượng không khí tốt và trung bình, Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp, mới nhất là xây dựng vùng phát thải thấp với mục tiêu: giảm thiểu phương tiện cá nhân, thay thế bằng phương tiện công cộng theo lộ trình hợp lý; hoàn thiện hệ thống quan trắc chất lượng không khí; tăng mảng xanh… Đây cũng chính là các giải pháp để Hà Nội thực hiện được lộ trình đưa không khí về ngưỡng an toàn với sức khỏe con người trong 5 năm tới.
Hàng ngày, vào lúc19h30, người dân phường Quán Thánh - quận Ba Đình đổ rác tại nơi tập kết mà công nhân môi trường đã chờ sẵn. Từ 22h - 3h sáng là thời gian sử dụng xe chuyên dùng và rửa đường để làm sạch đường phố. Đây là một trong những giải pháp được Công ty Môi trường Đô thị Urenco tiến hành từ ngày 1/4/2025 để làm sạch đường phố, góp phần làm cho bầu không khí được trong lành.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, cho biết: "Chúng tôi thực hiện công tác xóa hết được toàn bộ điểm cẩu và điểm đặt thùng rác trên địa bàn của hai phường Quán Thánh và Ba Đình. Thứ hai, chúng tôi nâng cao chất lượng tưới rửa đường, rửa hè để giảm bụi mịn. Bên cạnh đó, tăng cường khối lượng quét hút và rửa đường hàng ngày để nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường".
Quận Ba Đình cũng đang tiến hành xây dựng Đề án thực hiện vùng phát thải thấp, trong đó sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận.
Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Hà Nội, chia sẻ: "Trước hết, chúng tôi đánh giá nguồn phát thải chính. Có thể xác định đây là nguồn từ phương tiện giao thông có động cơ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, làm thế nào để giảm được cái nguồn phát thải này là mục tiêu chính của đề án chúng tôi đang xây dựng".
Đề án thực hiện vùng phát thải thấp cũng đang được thí điểm ở Hoàn Kiếm. Theo đó, cấm lưu thông xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2. Đồng thời, đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông là những giải pháp đang được triển khai.
Ông Đàm Văn Huân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội, cho hay: "Chúng tôi cũng kiến nghị thành phố sẽ thực hiện từng bước một, từ các khu vực trung tâm. Hiện nay đã có các tuyến phố đi bộ thực hiện rất tốt việc giảm thiểu phương tiện cá nhân. Sau đó, khoanh vùng mở rộng dần các khu vực mà chúng ta sẽ giảm thiểu phương tiện cá nhân để dẫn tới mở rộng ở các khu vực rộng nhất".
Để thực hiện lộ trình đưa chất lượng không khí đảm bảo sự an toàn trong 5 năm tới, Thủ đô cũng đưa ra kế hoạch hoàn thiện hệ thống quan trắc chất lượng không khí. Thành phố hiện chỉ có hai trạm quan trắc không khí tự động, liên tục và 6 trạm cảm biến đang hoạt động, 28 trạm cảm biến đang bảo dưỡng do Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý. Đơn vị này cũng đánh giá, các trạm quan trắc hiện chỉ tập trung ở một số khu vực nội thành, chưa phủ hết 30 quận huyện, vận hành chưa ổn định, số liệu thu thập chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến công tác đánh giá chất lượng không khí ở Hà Nội. Vì thế, thành phố đang rà soát, xem xét đầu tư hệ thống trạm quan trắc không khí tự động, liên tục theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, chia sẻ: "Thứ nhất là đưa ra các chính sách đặc thù về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố vào Luật Thủ đô năm 2004. Thứ hai là nghiên cứu rà soát đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động liên tục theo đúng quy hoạch chung của Thủ đô, nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin, tăng cường công tác quản lý kiểm soát chất lượng không khí".
5 năm qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế ô nhiễm không khí. Tháng 10/2019, thành phố bắt đầu thay thế, loại bỏ bếp than tổ ong trong sinh hoạt, dịch vụ. Tháng 9/2020, thành phố ra chỉ thị tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác. Tháng 3/2024, Hà Nội ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố đến năm 2030, định hướng đến 2035.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/lam-sach-bau-khong-khi-cua-thu-do-322342.htm