Nhật Bản 'tuýt còi' Google vụ ép các hãng điện thoại cài ứng dụng mặc định
Chính phủ Nhật Bản vừa ra lệnh cho Google ngừng các hành vi bị cho là lạm dụng sức mạnh thị trường của mình đối với các nhà sản xuất điện thoại thông minh trong nước.
Hãng tin Bloomberg hôm 15.4 cho biết động thái này diễn ra ngay trước chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Phục hồi kinh tế Ryosei Akazawa, ông sẽ đàm phán các vấn đề thương mại quan trọng với chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Nhật Bản yêu cầu Google chấm dứt ép buộc nhà sản xuất điện thoại cài ứng dụng, nhằm ngăn hành vi độc quyền - Ảnh: Bloomberg
Cáo buộc độc quyền
Lệnh được ban hành vào ngày 9.4 bởi Ủy ban Thương mại công bằng Nhật Bản (JFTC), tái khẳng định kết luận trước đó rằng Google đã tận dụng vị trí độc tôn của mình trong hệ sinh thái Android để áp đặt điều kiện bất lợi cho các nhà sản xuất thiết bị di động như Sony và Sharp.
JFTC cáo buộc Google ép buộc các hãng này phải cài đặt sẵn trình duyệt Chrome và đặt nó ở vị trí nổi bật trên màn hình chính nếu muốn tiếp cận kho ứng dụng Google Play - nền tảng thiết yếu giúp điện thoại Android cạnh tranh với iPhone.
Theo cơ quan giám sát, Google còn đưa ra các thỏa thuận chia sẻ doanh thu quảng cáo hấp dẫn, với điều kiện các nhà sản xuất không được cài đặt sẵn trình duyệt hay công cụ tìm kiếm của đối thủ cạnh tranh. Đây là một phần trong chiến lược toàn cầu nhằm bảo đảm Google là công cụ tìm kiếm mặc định trên mọi thiết bị, bao gồm cả iPhone mà hãng sản xuất nó chi hàng tỉ USD mỗi năm để giữ vị trí này.
Lệnh yêu cầu chấm dứt của JFTC là hành động pháp lý đầu tiên của Nhật Bản nhắm vào một đại gia công nghệ Mỹ, phản ánh sự thay đổi rõ nét trong cách tiếp cận với các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Trước đó, Liên minh châu Âu đã nhiều lần xử phạt Google và Apple vì hành vi độc quyền, trong khi Bộ Tư pháp Mỹ đang theo đuổi vụ kiện lớn nhằm chia nhỏ hoạt động kinh doanh tìm kiếm của Google.
Thông báo từ Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh nhạy cảm. Chính phủ Mỹ trước đó từng chỉ trích Đạo luật nền tảng kỹ thuật số của Nhật, cho rằng luật này gây bất lợi cho các công ty công nghệ Mỹ bằng cách áp đặt chi phí tuân thủ cao và tạo ra rào cản cạnh tranh. Trong khi đó, Washington đang tìm cách bảo vệ quyền lợi thương mại của mình tại châu Á, nơi Mỹ có thặng dư dịch vụ với Nhật Bản, chủ yếu đến từ phí bản quyền phần mềm, dịch vụ số và quảng cáo - lĩnh vực mà Google đang thống trị.
Tại thị trường Nhật, Google phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Apple - thương hiệu chiếm lĩnh phần lớn thị phần điện thoại thông minh tại đây. Trong bối cảnh đó, Google được cho là đã tận dụng vị thế của mình để bảo đảm rằng các sản phẩm Android không bị tụt hậu quá xa. Nhưng chính việc phụ thuộc vào kho ứng dụng và hệ sinh thái Google Play khiến các nhà sản xuất địa phương khó có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ các yêu cầu từ gã khổng lồ công nghệ này.
JFTC cho biết họ đã tiến hành điều tra kỹ lưỡng và kết luận rằng các điều khoản mà Google áp đặt với các nhà sản xuất vi phạm luật chống độc quyền, cản trở cạnh tranh và gây thiệt hại cho người tiêu dùng bằng cách giới hạn quyền lựa chọn.
Phản ứng từ Google
Phản hồi lại lệnh từ Nhật Bản, Google cho biết họ “thất vọng” với quyết định này và đã chủ động đưa ra các biện pháp khắc phục để giải quyết quan ngại của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, Google không nêu rõ liệu họ có thay đổi các điều khoản thỏa thuận với các đối tác Nhật Bản hay không.
Động thái của JFTC được giới phân tích đánh giá là có thể mở đường cho những hành động mạnh mẽ hơn đối với các công ty công nghệ quốc tế trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh Nhật Bản đang đẩy mạnh giám sát các nền tảng số để tăng tính minh bạch và bảo vệ cạnh tranh.
Về phía Mỹ, hành động của Nhật có thể tạo thêm áp lực cho các cuộc đàm phán song phương, đặc biệt khi chính quyền Trump đang cân nhắc tăng thuế với hàng hóa Nhật để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước. Sự khác biệt trong cách tiếp cận quản lý công nghệ có thể trở thành một trong những điểm nóng trong các cuộc thảo luận giữa hai bên.