Làm sao bảo vệ được học sinh trước nạn bạo lực học đường?
Vụ việc Y.Ng., nữ sinh lớp 10, nghi đã tự tử do bạo lực học đường đang làm dư luận nhói lòng. Làm thể nào để bảo vệ con trẻ trước nạn bạo lực học đường?
Sự việc một nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) thắt cổ tự tử và qua đời khiến dư luận đau xót, bàng hoàng, phẫn nộ, liên tiếp những ngày qua. Đặc biệt, dư luận trên mạng xã hội cho rằng nữ sinh này tự tử sau thời gian dài bị cô lập, chịu bạo lực học đường…Nhiều người vừa thương vừa trách em học sinh này vì đã quá dại dột. Thế nhưng đó cũng là một hồi chuông báo động tiếp theo cho ngành giáo dục, bởi những vụ việc như vậy không phải hiếm.
Nữ sinh, gia đình muốn chuyển lớp vì áp lực
Sự việc em N.T.Y.N - học sinh Trường THPT chuyên ĐH Vinh tự tử và qua đời ngày 15/4 khiến dư luận bàng hoàng và đặt ra nhiều câu hỏi. Đặc biệt là thông tin Y.N đã từng bị cô lập khi đến lớp trong thời gian dài trước khi em non nớt lựa chọn tự kết thúc cuộc sống.
Em Y.Ng. là học sinh lớp 10A15 hệ chất lượng cao, Trường THPT chuyên ĐH Vinh. Đây là lớp định hướng khoa học xã hội theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (bắt đầu triển khai đối với lớp 10 từ năm học 2022 - 2023).
Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 17/4, ông Phạm Xuân Chung - hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Vinh - cho biết trước đó vào khoảng giữa học kỳ 1, em Ng. có lên gặp thầy để xin chuyển sang một lớp khác cùng khối xã hội, với lý do là "muốn sang lớp cô giáo này làm chủ nhiệm để học".
Theo ông Chung, đối với khối 10 năm nay, việc chuyển lớp không thể thực hiện ngay. Lý do thực hiện chương trình mới, mỗi lớp ngoài các môn bắt buộc còn có các môn lựa chọn do học sinh đăng ký và không giống nhau giữa các lớp.
Bên cạnh đó, Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo cũng quy định giải quyết các trường hợp xin chuyển lớp sau khi hoàn thành năm học để đảm bảo trong công tác kiểm tra, đánh giá, trừ trường hợp đặc biệt. Trường hợp em Ng. thời điểm xin chuyển lớp cùng lĩnh vực (khoa học xã hội).
"Em Ng. hiện đang học lớp thứ 3 theo phân hóa của nhà trường từ đầu năm học. Nếu chuyển từ lớp mức độ thấp lên mức độ cao hơn phải có kết quả học tập nhất định. Tôi đã trao đổi, phân tích cho em Ng. tiếp tục phấn đấu học tập, nếu kết quả tốt thì sẽ xem xét chuyển lớp cho em. Sau đó em Ng. không có ý kiến gì khác", ông Chung thông tin.
Cô Đặng Việt Hà - giáo viên chủ nhiệm lớp 10A15 - cho hay khoảng cuối học kỳ 1 vừa qua, em Ng. có nhắn tin cho cô hỏi về mẫu đơn xin chuyển lớp. Cô Hà trả lời không có và sau đó em Ng. cho biết đã đến phòng hội đồng trường xin ý kiến.
Về thông tin em Y.Ng. bị cô lập, cô Hà cho biết, học sinh có một số nhóm chat riêng trên mạng xã hội, nhưng vì nhóm kín nên cô không biết được câu chuyện và nội tình.
Cũng theo cô Đặng Việt Hà, thời gian qua em Y.Ng. nghỉ học rất nhiều. Trong đó có nhiều lần mẹ bạn Y.Ng. nhắn tin xin nghỉ với nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do sức khỏe, đau ốm... Thời gian trước khi sự việc xảy ra, em Y.Ng. tiếp tục nghỉ học, cô Đặng Việt Hà đã gọi điện thoại cho phụ huynh thì biết được có một số lần em Y.Ng. tự lấy máy mẹ để nhắn cho cô xin nghỉ học vì không muốn đến lớp học nữa.
Cô Đặng Việt Hà cho biết thêm, với Y.Ng. cô đã quan tâm em từ đầu. Khi em Y.Ng. nghỉ học nhiều, cô Hà đã gọi em Y.Ng. ra gặp hỏi thăm riêng thường xuyên và tìm hiểu lý do. Cô Hà cho biết, từ đầu năm học đến nay em Y.Ng. đã nghỉ 20 buổi học. Riêng từ tháng 2 đến nay đã nghỉ 8 lần trong đó có lần nghỉ từng tiết, có lần nghỉ cả buổi học.
Tuy nhiên, phía gia đình em Y.Ng. thông tin, mẹ của em đã 2 lần lên gặp ban giám hiệu Trường THPT chuyên Đại học Vinh để phản ánh việc con gái bị cô lập, bị bạo lực tinh thần và đề xuất nguyện vọng chuyển lớp. Trong đó có 1 lần gặp trực tiếp Hiệu trưởng và nhận được câu trả lời tạm thời chưa chuyển lớp và sẽ xem xét.
Sau đó, nhiều ảnh chụp màn hình tin nhắn điện thoại giữa em Y.Ng. và mẹ cũng được chia sẻ. Trong đó, em Y.N. từng tâm sự “chán, không muốn đi học nữa”. Khi được hỏi lý do thì em N. kể nhóm bạn khác trong lớp biết em muốn chuyển lớp và thường ngồi sau lưng “nói khích”. Trong khi đó cô giáo chủ nhiệm lại xếp Y.Ng. ngồi gần với nhóm bạn này khiến nữ sinh “học răng nổi, con rành buồn ạ”. Theo thông tin gia đình, em Y.Ng. nhiều lần nhắn tin, gọi điện cho mẹ đến trường đón đi học về vì sợ có nhóm bạn chặn đánh, thâm tím cả đầu gối không thể đi xe đạp đến trường… Vấn đề này phụ huynh cũng đã gọi điện phản ánh với giáo viên chủ nhiệm.
Bạo lực tinh thần còn âm ỉ, nguy hiểm hơn bạo lực về mặt thân thể
Vụ việc Y.Ng., nữ sinh lớp 10 đang làm dư luận hoang mang lo lắng. Làm sao để bảo vệ con trẻ trước nạn bạo lực học đường?
Luật sư Trọng Hải - Giám đốc Công ty Luật TNHH Trọng Hải & Cộng sự TP Vinh, nêu quan điểm: Với tư cách là một luật sư, người làm công tác bảo vệ quyền lợi của khách hàng, bảo vệ cái đúng, lẽ phải và cũng với tư cách là một phụ huynh đang có con đang học ở trường phổ thông, bản thân tôi thấy rằng, bất cứ sự xâm hại nào cũng rất đáng trách. Điều đó, không những chỉ là xâm hại về sức khỏe, tính mạng, xâm hại về tinh thần mà còn để lại những sự việc không mong muốn.
Sâu xa hơn, để những người làm công tác làm quản lý giáo dục cũng thấy rằng, dù đã có rất nhiều cố gắng để xây dựng môi trường học đường lành mạnh; nhưng thực tế vẫn có những sự việc đáng tiếc xảy ra.
“Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm giáo dục, cho thầy cô giáo, cho gia đình, cha mẹ và toàn xã hội. Chúng ta cần sâu sát hơn, quan tâm hơn, tâm lý hơn, hiểu con hơn và nhân văn hơn, kiên quyết hơn trong quản lý, đặc biệt là trong việc quản lý đời sống học sinh trong độ tuổi chưa hoàn thiện về vấn đề tâm sinh lý”, luật sư Trọng Hải nhận định.
Luật sư Trọng Hải cho rằng, qua theo dõi sự việc gần đây vừa diễn ra ở TP. Vinh, theo lời chia sẻ của gia đình, nữ sinh lớp 10 đã muốn chuyển sang chỗ khác nhưng phía nhà trường vẫn không xem xét thì rõ ràng các thầy, cô giáo chưa làm tròn vai trò của mình. Và trách nhiệm đầu tiên phải thuộc những người làm việc trong nhà trường, đó là giáo viên chủ nhiệm, là những người làm công tác quản lý giáo dục ở cơ sở.
Theo luật sư Trọng Hải, không chỉ phụ huynh, học sinh mà bản thân từng nhận nhiều trao đổi từ những người làm công tác giáo dục, bày tỏ sự lo lắng khi hiện nay vấn đề bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng. Ngoài bạo lực về thân thể, thì bạo lực về tinh thần là hết sự nghiêm trọng. Bạo lực về tinh thần nó còn âm ỉ, nguy hiểm hơn các bạo lực học đường về mặt thân thể. Những thị phi tiềm ẩn lâu dài khiến cho học sinh ở lứa tuổi này rất dễ bị tổn thương và một khi đã xảy ra rất dễ khiến cho các em dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Theo quan điểm của tôi, cha mẹ và thầy cô luôn hướng học trò đến sự mạnh mẽ, không yếu đuối. Trong trường hợp mình là người bị bạo hành, bị bạo lực học đường về tinh thần và thể chất thì mình phải thật bình tĩnh, phải có chính kiến. Người đầu tiên mình cần chia sẻ và tư vấn chính là bố mẹ của mình, phụ huynh của mình và có thể gặp người quản lý trực tiếp là cô giáo chủ nhiệm hoặc thầy giáo chủ nhiệm.
Ngoài ra, người bị bạo lực học đường có thể phản ánh bằng văn bản hoặc bằng cơ chế trực tiếp đối với người quản lý của cơ sở giáo dục như hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường và những người có trách nhiệm như thầy giáo phụ trách vấn đề an ninh trường học.
Nếu có hành vi bạo hành nghiêm trọng, các em cũng có thể báo đến cơ quan công an và tìm đến những người có sự hiểu biết về pháp luật để nhận được sự tư vấn để xử lý, không tự tìm đến những tiêu cực để tránh liên lụy đến gia đình, nhà trường và bản thân mình - Luật sư Trọng Hải chia sẻ.