Làm sao để doanh nghiệp bất động sản không coi tiền đặt cọc như một kênh huy động vốn?
Làm thế nào vừa tạo nguồn lực cho doanh nghiệp bất động sản, vừa bảo vệ được quyền lợi của người mua nhà - 2 mục tiêu này cần hài hòa trong quy định về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai. Đây cũng là 1 nội dung đang có ý kiến trái chiều trong buổi thảo luận chiều 24/8 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về nội dung đặt cọc với công trình hình thành trong tương lai, thường trực Ủy ban Kinh tế đưa ra 2 phương án.
Phương án 1: Quy định “Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Số tiền đặt cọc không vượt quá 10% giá bán...
Phương án 2: Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh.
Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với Phương án 1 vì khi thiết kế cơ sở được thẩm định bởi cơ quan chuyên môn thì tính pháp lý đã rõ. Qua nhận đặt cọc, doanh nghiệp sẽ được chủ động hơn về phương án kinh doanh. Một số ý kiến đồng tình với phương án 1 khi cho rằng phương án 2 thì quá chặt với doanh nghiệp.
Về tỷ lệ nhận đặt cọc, các ý kiến cho rằng cần quy định ở mức hợp lý nhằm bảo đảm mục đích của việc đặt cọc không phải là để doanh nghiệp bất động sản coi tiền đặt cọc như một kênh huy động vốn. Các nội dung gây tranh cãi này sẽ tiếp tục được xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách tới đây.
Hằng Nga -
Quang Sỹ