Làm sao để du lịch Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ trở nên hấp dẫn hơn?
Nhận định chung từ chính quyền, nhà nghiên cứu đến cư dân đều cho rằng du lịch Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ đang phát triển chưa xứng tầm với tài nguyên thiên nhiên ban tặng.
Thành phố Cần Thơ vừa tổ chức chuỗi sự kiện Ngày Hội Du lịch “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng” năm 2019. Đây được coi là hoạt động điểm nhấn cho thúc đẩy phát triển du lịch địa phương năm 2019, với các hoạt động văn hóa và xúc tiến thương mại.
Đặc biệt, đây là năm đầu tiên “Hò Cần Thơ” được đưa vào biểu diễn, với mục đích nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, bản địa.
Ngày 10/3/2016, Văn hóa Chợ nổi Cái Răng chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia”. Được hình thành từ tập quán sinh hoạt của người dân địa phương với nét văn hóa đặc trưng gắn liền với miền sông nước, chợ nổi Cái Răng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách, tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc và đặc biệt có ý nghĩa trong phát triển du lịch của thành phố Cần Thơ.
Trong 3 năm (2016 – 2019), thành phố đã chi gần 16 tỷ đồng cho các hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch Chợ nổi, thu gom rác thải trôi nổi trên sông, cải tạo nâng cấp điểm dừng chân, bố trí phao phân luồng an toàn giao thông đường thủy…
Tuy nhiên, nhận định chung từ chính quyền, nhà nghiên cứu đến cư dân Chợ nổi đều cho rằng du lịch Chợ nổi đang phát triển chưa xứng tầm với tài nguyên thiên nhiên ban tặng; cần có những giải pháp đồng bộ, dài hơi nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức cộng đồng và kết nối các nguồn lực với nhau.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng Ban Quản lý di tích thành phố Cần Thơ cho rằng: Điểm tối quan trọng trong định hướng phát triển Chợ nổi Cái Răng là đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm cho du khách; liên kết, tạo ra những tuyến du lịch giữa các cơ sở du lịch trên địa bàn với điểm đến Chợ nổi, trong đó cần gắn chặt với các tuyến du lịch sinh thái miệt vườn. Song song đó, phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của Cần Thơ, tránh tình trạng hàng lưu niệm giống nhau giữa các địa phương với chất lượng không được kiểm soát.
Bà Lê Thị Loan, tiểu thương tại Chợ nổi Cái Răng tâm tư: Chính quyền địa phương luôn tuyên truyền tiểu thương phải niêm yết giá và bán hàng đúng chất lượng, đồng thời phải giữ gìn vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại tình trạng các ghe, tàu chở khách đòi tiền “cò”, bắt nơi kinh doanh chi từ 100 – 200.000 đồng/ghe mới cho khách ghé.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc giữ giá bán các mặt hàng. Đơn cử, trường hợp một tiểu thương bán bún riêu 20.000 đồng/tô đã phải tăng giá lên 35.000 đồng để có thể chi “hoa hồng” dẫn khách cho chủ tàu. Mức giá này ngay sau đó đã bị du khách phản ứng là “chặt chém”.
Do đó, các tiểu thương mong muốn chính quyền địa phương có các giải pháp mạnh tay, nhằm đồng bộ hóa giá cả ở tất cả các khâu dịch vụ: Đưa rước khách, đón khách tại các điểm dừng chân, ăn uống, nghỉ ngơi, hàng lưu niệm…
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức các buổi nói chuyện, tập huấn, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân Chợ nổi về bảo vệ môi trường và cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp; từng bước xóa bỏ tư tưởng “ăn xổi ở thì” trong làm du lịch như: Bán hàng kém chất lượng, chặt chém, chèo kéo; chú trọng khâu dạy nghề, cách thức kinh doanh kết hợp làm du lịch, bộ quy tắc giao tiếp với du khách. Hiện tại, danh sách các hộ kinh doanh ẩm thực, trái cây… tại khu vực Chợ nổi được hỗ trợ cho vay ưu đãi sẽ tiếp tục được cập nhật và có các biện pháp nâng cao hiệu quả vốn vay hơn nữa.
Ông Dương Tấn Hiển cũng cho rằng, cần huy động mọi nguồn lực tài chính, cả ngân sách địa phương lẫn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công trình nhằm phục vụ du khách đến tham quan Chợ nổi tốt hơn, như Công trình cầu tàu, trạm dừng chân…
Đặc biệt, ông Dương Tấn Hiển cho biết, trong năm nay, thành phố sẽ xúc tiến dự án làm bờ kè và mở rộng đường nối từ bến Ninh Kiều đến Chợ nổi Cái Răng vốn đang bị ì ạch. Dự án này khi hoàn tất sẽ giúp chỉnh trang bộ mặt đô thị, các phương tiện xe cơ giới di chuyển đến khu vực Chợ nổi thuận tiện hơn; đồng thời, giảm thiểu tình trạng rác thải dọc bờ kè.
Thông qua Đề án “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng” giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến 2030, thành phố đã hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho 122 hộ gia đình, doanh nghiệp phát triển du lịch tại Chợ nổi Cái Răng, với tổng kinh phí hơn 6,7 tỷ đồng; hỗ trợ di dời 38 bè nổi đến nơi neo đậu an toàn; cải tạo an toàn hệ thống điện trên sông…
Hiện Ban Chỉ đạo Đề án đang nghiên cứu triển khai chương trình hỗ trợ cung cấp nước sạch cho bà con khu vực Chợ nổi, tuyên truyền để người dân không xả rác trực tiếp xuống sông, đặc biệt là túi ni lông và chai nhựa khó phân hủy.
Bà Nguyễn Thị Trinh, tiểu thương Chợ nổi Cái Răng cho biết, gia đình bà được hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi. Nhờ đó, bà mua bán được nhiều mặt hàng nông sản hơn, cải thiện thu nhập. Đặc biệt, hiện nay, gia đình bà có thể mở rộng bán hàng trái cây thường xuyên cho du khách với giá bán tốt hơn, thay vì chỉ trông chờ vào các đơn hàng sỉ với thương lái như trước kia.
Ngoài ra, từ khi địa phương triển khai mô hình “lớp học trên sông” dạy văn hóa và ngoại ngữ cho con em các gia đình sinh sống trên ghe tại Chợ nổi Cái Răng, tình trạng trẻ em bỏ học được cải thiện đáng kể, dân trí nhờ đó cũng được nâng lên. Mọi người kỳ vọng con em mình sẽ tiếp nối nghiệp mua bán và làm du lịch tại Chợ nổi, nhưng sẽ ở tầm chuyên nghiệp hơn.
Theo số liệu thống kê của UBND quận Cái Răng, từ đầu năm đến nay, tổng số lượt khách du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn quận ước đạt 379.793 lượt khách, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, khách du lịch quốc tế 143.313 lượt, khách du lịch nội địa 236.480 lượt. Số lượng lượt khách du lịch đến tham quan Chợ nổi Cái Răng là 224.485 lượt khách. Doanh thu từ du lịch trên địa bàn quận ước đạt 25,3 tỷ đồng./.