Làm sao để được lòng sếp mà vẫn là chính mình?
Bạn bế tắc trong mối quan hệ với sếp? Đừng chờ đợi sếp thay đổi, hãy chủ động! Học cách 'đọc vị' sếp, điều chỉnh chiến lược làm việc và xây dựng quan hệ tích cực từ hôm nay.
Nếu muốn cải thiện mối quan hệ với sếp, bạn không thể chỉ ngồi yên chờ họ làm điều đó cho bạn. Dĩ nhiên là các mối quan hệ đều xuất phát từ hai phía nên họ cũng cần điều chỉnh, nhưng sự chủ động của bạn sẽ luôn được đền bù xứng đáng.
Hãy tìm cơ hội để xây dựng kết nối, nâng cao chất lượng mối quan hệ và hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc làm cho mối quan hệ của bạn với sếp cải thiện theo hướng tích cực. Hãy coi mối quan hệ với sếp như một khoản đầu tư tài chính.
Tuy nhiên, nếu loại cổ phiếu này không bao giờ tăng giá thì có vẻ như bạn cần thay đổi chiến lược và đầu tư vào chỗ khác. Nhưng trong tất cả chiến lược đầu tư, đôi khi bạn cần kiên nhẫn chờ đợi thì mới thu được thành quả.
Tôi luôn nhận thấy rằng càng giúp sếp thể hiện tốt và đạt được thành công trong vai trò của họ thì mối quan hệ công việc của tôi càng trở nên thuận lợi. Các “khoản lãi” tôi đã thu được từ khoản đầu tư này bao gồm những công việc thú vị hơn, những lần thăng tiến lên vị trí cao hơn, khoản lương tốt hơn và quan trọng hơn hết chính là một môi trường làm việc nơi tôi cảm thấy mình có giá trị, được hỗ trợ và được tôn trọng.

Hãy tìm cơ hội để xây dựng kết nối, nâng cao chất lượng mối quan hệ và hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc làm cho mối quan hệ của bạn với sếp cải thiện theo hướng tích cực.
Trong quyển The First 90 Days (90 ngày đầu tiên làm sếp), Michael Watkins đã liệt kê những việc bạn cần làm để giúp mối quan hệ với sếp trở nên tốt đẹp như sau:
1. Hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc phát triển mối quan hệ tích cực giữa đôi bên.
2. Sớm và thường xuyên làm rõ các kỳ vọng từ cả hai phía.
3. Thương lượng về các mốc thời gian trong công việc bạn đang đảm nhận.
4. Ưu tiên nhắm đến thành công trên các phương diện quan trọng đối với sếp.
5. Tìm kiếm phản hồi hữu ích từ những cá nhân được sếp tôn trọng ý kiến.
Dù quyển sách của Michael Watkins tập trung vào những điều bạn cần làm khi bắt đầu một công việc mới nhưng lời khuyên này xứng đáng để bạn làm theo trong suốt sự nghiệp của mình. Điều cần thiết nhất là biết được sếp bạn muốn gì và họ thích phong cách làm việc như thế nào. Một khi đã nắm được hai thông tin “sống còn” đó, bạn có thể nhanh chóng tìm ra cách làm cho cuộc sống của họ dễ dàng hơn và tạo thêm giá trị cho công việc của họ. Trong quá trình đó, hãy tìm cách hiểu rõ những điều chi phối và tạo động lực cho các lựa chọn nghề nghiệp của họ, cũng như những điều khiến họ lo lắng.
Ví dụ:
Sếp của bạn có thể coi trọng quyền kiểm soát và luôn muốn biết việc gì đang diễn ra. Điều này nghĩa là bạn nên báo cáo cho họ thường xuyên và đảm bảo không xảy ra điều gì khiến họ bất ngờ.
Sếp của bạn có thể ghét tiểu tiết và thích tập trung vào bức tranh tổng thể hơn. Nếu đúng là vậy, bạn cần biết khi nào nên để họ tham gia vào công việc và khi nào thì không nên. Hãy để họ tham gia vào quá trình xây dựng ý tưởng, sau đó kiểm tra xem bạn có được trao quyền tự thực hiện các nhiệm vụ chi tiết hay không.
Cấp trên của sếp bạn có thể là người thật sự khó tính và khiến sếp bạn lo lắng về cách duy trì mối quan hệ với họ. Nếu sếp phải đối mặt với áp lực từ cấp trên, hãy thấu hiểu và tìm hiểu xem bạn có thể làm gì để giúp sếp. (Đó là lý do việc đọc quyển sách này từ đầu đến cuối lại rất quan trọng, vì nó sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của sếp.)

Sách Sếp tồi. Ảnh H.Q.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong phần này vì chẳng thể hiểu nổi sếp kỳ vọng gì ở mình hoặc vì các kỳ vọng của sếp cứ thay đổi liên tục, tôi khuyến khích bạn nên làm hai việc sau:
Hỏi sếp. Hãy thẳng thắn trò chuyện với sếp để tìm hiểu xem họ cần gì ở bạn. Chỉ cần đơn giản bắt đầu cuộc trò chuyện bằng câu hỏi: “Đáp ứng những kỳ vọng của sếp là điều quan trọng nhất với tôi. Sếp còn cần tôi làm gì khác nữa không?”.
Hỏi người khác. Nếu bạn cảm thấy việc trò chuyện với sếp là quá khó khăn hoặc có lẽ bạn đã làm thử nhưng không thấy hiệu quả, hãy tìm một người hiểu rõ về sếp (và là người mà bạn tin tưởng) để xin lời khuyên cũng như sự tư vấn của họ.
Nguồn Znews: https://znews.vn/lam-sao-de-duoc-long-sep-ma-van-la-chinh-minh-post1542751.html