Làm sao để tránh bị giả mạo trên Facebook?

Mới đây, trên Facebook xuất hiện tài khoản giả mạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Qua sự việc này, người dùng cần làm gì khi bị người khác mạo danh trên Facebook?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lên tiếng vì bị giả mạo Facebook

Tài khoản giả mạo được lập với tên người dùng và hình ảnh trùng khớp với trang Facebook của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đã gửi thông báo kết bạn đến nhiều người. Cùng đó, tài khoản giả mạo này nhắn tin, nhờ vả các việc riêng.

Sau khi phát hiện, trên trang Facebook cá nhân chính thức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đăng tải thông tin cảnh báo về việc bị đối tượng xấu lập Facebook giả mạo.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thông báo trên trang Facebook chính thức về việc bị giả mạo tài khoản.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thông báo trên trang Facebook chính thức về việc bị giả mạo tài khoản.

"Thưa các thầy cô, các em học sinh và các bạn, cá nhân tôi chỉ sử dụng trang Facebook này (đã được xác thực, có tích xanh). Tôi không sử dụng thêm bất cứ tài khoản mạng xã hội Facebook nào khác. Do đó mọi tài khoản khác (dù có thể với tên và hình ảnh của tôi) trên Facebook đều không phải là tôi và có thể là mạo danh với mục đích không tốt", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ trên trang cá nhân chính thức về việc mình bị giả mạo Facebook.

Cách phân biệt một trang fanpage thật với trang giả mạo

Hiện nay, tình trạng giả mạo tài khoản Facebook diễn ra khá phổ biến và nạn nhân thường là những người nổi tiếng. Mục đích nhằm lợi dụng danh tiếng của nạn nhân để quảng cáo, bán hàng, lừa đảo nạp thẻ, chiếm đoạt tài sản hay tệ hơn nữa là bôi nhọ, vu khống người khác…

Chia sẻ với PV báo Sức khỏe và Đời sống, ông Nguyễn Ngọc Khánh - Giám đốc phụ trách về giải pháp phần mềm công nghệ thông tin và viễn thông Công ty Viễn Đạt cho biết, có nhiều lý do mà một tài khoản Facebook bị mạo danh và nếu không cẩn thận, một thời điểm nào đó có thể tài khoản giả sẽ báo cáo (report) lại tài khoản chính chủ.

Theo ông Khánh, đa số các tài khoản thường mạo danh những tổ chức uy tín với mục đích trục lợi, đưa thông tin sai lệch. Nghiêm trọng hơn, một số đối tượng lập những tài khoản mang tên, hình ảnh các vị lãnh đạo, quan chức... Nhiều người lầm tưởng những bài viết trên mạng là phát ngôn, chính kiến của các vị lãnh đạo, quan chức, dẫn đến có những bình luận, bàn tán sai lệch...

Về việc làm sao để phân biệt đâu là trang Facebook thật, ông Khánh cho biết, rất khó để phân biệt một trang fanpage thật với trang giả mạo, ngoài việc "chính chủ" phải thường xuyên công bố thông tin về đường dẫn trên trang của mình. Đối với người nổi tiếng chỉ nên lập một fanpage duy nhất và công bố cho mọi người được biết để tránh giả mạo.

"Để tránh bị giả mạo trên Facebook, người dùng không nên đưa những hình ảnh nhạy cảm, thông tin liên quan đến cuộc sống gia đình lên mạng xã hội, có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Nếu đưa lên mạng thì nên tùy chỉnh chế độ riêng tư, không nên để công khai.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trường hợp khi người dùng phát hiện bị giả mạo cần gửi thông báo và đầy đủ các thông tin liên quan để chứng minh trang của mình bị giả mạo cho Facebook và đề nghị khóa trang giả mạo lại. Đồng thời, người bị giả mạo khi phát hiện cần báo ngay cho cơ quan chức năng và lên tiếng trên trang chính thức của mình về việc bị giả mạo để ngăn chặn kịp thời những thiệt hại".

Chuyên gia công nghệ cho biết thêm, người dùng Facebook trên máy tính cần tuyệt đối cảnh giác khi nhận tệp tin có đuôi ".rar" hoặc ".zip", được gửi từ những tài khoản lạ.

Giả mạo người khác trên Facebook bị xử phạt như thế nào?

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hoàn (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), hành vi lấy hình ảnh, thông tin của người khác để tạo tài khoản giả mạo người đó trên Facebook nhằm đăng những thông tin sai sự thật hoặc có mục đích khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ bài đăng liên quan đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.

Nếu hành vi giả mạo người khác trên Facebook có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thuộc một trong những tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa bổ sung 2017 thì cá nhân giả mạo bạn trên Facebook có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể chịu hình phạt tù. Tuy nhiên, tùy theo tính chất, mức độ, loại hành vi mà sẽ phạm một tội hoặc một số tội theo quy định của Bộ luật này, trong đó có thể kể đến như: Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Điều 117 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tù lên đến 12 năm;

Tội làm nhục người khác tại Điều 155 Bộ luật hình sự khác có thể bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm, nếu hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn có thể bị phạt tù lên đến 2 năm; Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông tại Điều 288 Bộ luật hình sự có thể bị phạt tiền từ 30 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-sao-de-tranh-bi-gia-mao-tren-facebook-169240229152633149.htm