Làm sao để trẻ em thực sự an toàn khi ngồi trên ô tô?

Cần sớm luật hóa các quy định liên quan đến đảm bảo an toàn cho trẻ em khi ngồi trên ô tô tham gia giao thông để hạn chế tối đa các vụ việc đáng tiếc.

Hiện tại trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia áp dụng luật và quy định cụ thể để bảo vệ trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông. Tuy nhiên tại Việt Nam lại chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em và vị trí an toàn của trẻ em trên xe ô tô. Nhiều phụ huynh vẫn để trẻ em ngồi ghế trước hoặc đứng trong xe, vươn tay ra cửa sổ, thò đầu qua cửa sổ trời…

Luật hóa quy định sử dụng thiết bị an toàn và vị trí ngồi an toàn cho trẻ em:

Dự kiến ngày 26/6 tới đây, Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ (Luật TTATGTĐB). Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn và vị trí ngồi an toàn cho trẻ em được luật hóa và áp dụng hiệu quả trong Luật TTATGTĐB, có thể kéo giảm tới 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô mỗi năm tại Việt Nam.

Do đó, cần sớm luật hóa với những quy định thiết thực về thiết bị an toàn, vị trí an toàn cho trẻ em, đối tượng thụ động tham gia giao thông, để ngày càng phát huy tác dụng tích cực trong bảo vệ trẻ em tham gia giao thông khi số lượng ô tô tại Việt Nam ngày một tăng.

Mặc dù Dự thảo Luật TTATGTĐB cập nhật đã chỉnh lý nhiều quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông nhưng để hoàn thiện hơn, theo Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng, Luật TTATGTĐB cần tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc bảo đảm an toàn cho trẻ em trong giao thông đường bộ.

Vẫn còn nhiều vụ việc trẻ em thò đầu ra cửa sổ trời ô tô vô cùng nguy hiểm.

Vẫn còn nhiều vụ việc trẻ em thò đầu ra cửa sổ trời ô tô vô cùng nguy hiểm.

Cụ thể, trong Điều 3 của dự thảo cần bổ sung thêm cụm từ "Thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô là nôi, ghế, đệm nâng nhằm hạn chế khả năng cơ thể trẻ bị dịch chuyển trong trường hợp phương tiện tham gia giao thông va chạm hoặc giảm tốc độ đột ngột". Đây là ngôn ngữ theo Quy định số 129 về thiết bị an toàn cho trẻ em của Hội đồng Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc.

Còn tại Khoản 3, Điều 11 đề nghị bổ sung nội dung "không được để trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ xe chỉ có một hàng ghế" và bỏ nội dung "mà không có người lớn ngồi cùng".

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị những nội dung cụ thể trong Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ: Trẻ em cao dưới 150cm và dưới 12 tuổi không được ngồi ở hàng ghế trước xe. (Quy định này hiện còn chưa có trong dự thảo luật TTATGTĐB); Trẻ em bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy hoặc xe điện.

Mỗi năm có hàng nghìn vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em:

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG), có 6,3 triệu số lượng ô tô đăng kí tại Việt Nam. Thị trường ô tô của Việt Nam mỗi năm tăng trưởng khoảng 500 nghìn xe mới. Đồng nghĩa với việc số lượng trẻ em khi tham gia giao thông sẽ tăng cao hơn, điều này đặt ra vấn đề về quy định liên quan đến an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.

Trẻ em không ngồi cố định trên xe ô tô ở hàng ghế phía sau có nguy cơ cao gặp các chấn thương nặng nếu xảy ra tai nạn giao thông.

Trẻ em không ngồi cố định trên xe ô tô ở hàng ghế phía sau có nguy cơ cao gặp các chấn thương nặng nếu xảy ra tai nạn giao thông.

Theo đánh giá sơ bộ của Ủy ban ATGTQG, có khoảng 1.800 - 2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600 - 700 vụ liên quan tới ô tô có trẻ em. Theo tính toán, tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông ở trẻ em tại Việt Nam từ 5 -14 tuổi là 1,9/100.000 trẻ và từ 0 – 4 tuổi là 1,4/100.000 trẻ.

Rất nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc đã xảy ra, nên việc cần phải có ý thức bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông là rất cần thiết, nhằm tránh những chấn thương nặng cho trẻ.

Đến năm 2023, 115 nước đã có luật cấm trẻ ngồi ghế trước, trong đó 70 nước cấm hoàn toàn và 45 nước cấm trẻ em ngồi ghế trước nếu không ngồi trong thiết bị an toàn trên xe ô tô.

Hiện có gần 100 quốc gia đã thể chế hóa quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô cá nhân. Đơn cử như trong khu vực ASEAN, Singapore bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em dưới 135 cm, Malaysia bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em dưới 136 cm và dưới 12 tuổi, quy định của Philippines là dưới 12 tuổi hoặc dưới 150 cm.

Phẫn nộ lời khai của người phụ nữ hành hung, trói bé trai mồ côi mẹ vào cột điện.

Long Vũ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-sao-de-tre-em-thuc-su-an-toan-khi-ngoi-tren-o-to-169240603180216442.htm