Làm sao ra đề kiểm tra Ngữ văn không tranh cãi tiêu cực
Phương pháp học tập mới này đòi hỏi khả năng diễn đạt tốt, tư duy cao. Nhà trường cần biên soạn những dạng đề phát huy tính tự học, tự đọc, tự làm của học sinh.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn 3935/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025.
Theo đó, công văn nêu rõ: đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Việc này thúc đẩy các nhà trường tiếp tục nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, nhằm giúp học sinh vận dụng tốt kiến thức vào bài thi, xây dựng hướng dạy học mới phát huy tối đa sự sáng tạo của giáo viên và học sinh.
Giúp chấm dứt tình trạng học tủ, học vẹt theo văn mẫu
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Châm - Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết:
Yêu cầu mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025 sẽ giúp chấm dứt tình trạng học tủ, học vẹt theo văn mẫu. Cụ thể, học sinh sẽ được hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ học tập với văn bản tiêu biểu cho các thể loại, loại hình văn học trong sách giáo khoa, để từ đó hình thành, bồi dưỡng, phát triển năng lực đọc – viết, vận dụng qua các ngữ liệu mới tương đương về mặt thể loại, loại hình.
Điều này sẽ giúp các em tự tin hơn và được tôn trọng thể hiện năng lực, cách đọc, cách cảm, cách nghĩ của cá nhân. Phương pháp giảng dạy này sẽ được triển khai ngay trong quá trình học, qua từng chủ đề gắn với từng thể loại, từ hoạt động đọc tới thực hành mở rộng, đồng thời kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ. Bởi lẽ trong bối cảnh mới, ngữ liệu vốn vẫn rất phong phú và luôn phát triển không ngừng của đời sống văn học.
Giáo viên cũng tránh được việc dạy có tính áp đặt, dạy học đọc chép, vì giáo viên cũng chỉ là một người đọc, mà một cách đọc thì không thể áp đặt kết quả cảm thụ văn học của cá nhân. Người dạy chỉ đưa ra những gợi ý, định hướng, dẫn dắt, hướng dẫn học sinh chủ động tương tác với văn bản, phát huy sự chủ động, độc lập, tích cực và bồi đắp dần trong quá trình học tập.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay:
Trước đây, phương pháp kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn nhìn chung còn bị định hướng nhiều bởi các nhà phê bình về tác phẩm văn học. Song, hiện nay, người dạy cần khơi gợi, mở rộng để học sinh cũng là một nhà phê bình. Giáo viên phải trân trọng những ý kiến, suy nghĩ cảm thụ văn học của các em học trò. Điều này sẽ giúp môn học trở nên thú vị hơn, không còn nhàm chán, rập khuôn, sáo rỗng nữa.
Tuy nhiên, giáo viên bây giờ thực sự cũng phải rất đổi mới trong mỗi một bài giảng của mình để tìm thấy những khía cạnh mới trao đổi với học trò. Ngoài câu chuyện về thể loại và chủ đề, thì những chi tiết nghệ thuật của tác phẩm cũng cần được khơi mở, đặt ra các vấn đề cho học sinh cảm thấy hứng thú khi tiếp cận môn Ngữ văn.
Thách thức cho người dạy và học phải nỗ lực “thay máu” trong phương pháp kiểm tra tích hợp
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất của Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình mới là đổi mới phương pháp dạy học từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực với phương châm lấy học sinh là trung tâm.
Theo cô Nguyễn Thị Thu Hương, để công tác triển khai dạy và học đáp ứng được mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, phương pháp kiểm tra đánh giá cần được xây dựng phong phú hơn, tập trung ở 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết và làm việc nhóm của học sinh. Tuy nhiên, giáo viên cũng cần cân đối phù hợp quỹ thời gian của học sinh, tránh lạm dụng bài tập nhóm quá nhiều, gây ảnh hưởng đến các môn học khác.
Bên cạnh kỹ năng viết, thì kỹ năng nghe, phản biện và thuyết trình của học sinh cũng cần được nâng cao hơn, nhằm phát triển toàn diện về khả năng tư duy vấn đề. Đây là một ưu điểm của Chương trình Giáo dục phổ thông mới so với trước kia. Theo đó, người dạy sẽ không nghiêng về thuyết giảng, bình văn quá nhiều như trước nữa, mà giáo viên sẽ dạy học sinh lối tư duy và gợi mở.
Song, cô Thu Hương cho biết: “Tôi còn trăn trở, băn khoăn về công tác chấm điểm kiểm tra đánh giá cho các em học sinh. Nếu đánh giá về độ nhận thức, sự tiến bộ của học trò qua từng bài kiểm tra thì rất dễ dàng. Nhưng sau này kiểm tra đánh giá qua các bài làm tự luận của học sinh, thì độ mở của mỗi giáo viên khác nhau, đáp án cũng khác nhau, nên thực sự rất cần những người chấm thi có thể mở lòng cùng với học sinh để đặt mình vào vị trí tư duy của họ, tránh sự áp đặt theo lối mòn”.
Hiện nay, giáo viên cần phải giảng dạy cho học sinh theo hướng tích hợp. Các em cần nắm rất chắc các thể loại, chủ đề, đề tài, chủ đề trong các loại văn bản mẫu từ sách giáo khoa, sau đó luyện tập mở rộng ra ở các ngữ liệu khác cùng thể loại.
Đồng thời, nhà trường cần biên soạn những dạng đề phù hợp, phát huy tính tự học, tự đọc, tự làm của học sinh. Phương pháp học tập mới này đòi hỏi khả năng diễn đạt tốt, khả năng tư duy cao.
Còn theo cô Nguyễn Thị Châm, quy định này tất yếu và chắc chắn sẽ thay đổi hình thức kiểm tra như tăng cường vấn đáp, trao đổi, thảo luận, bài tập nhóm thay vì kiểm tra viết ở các trường. Bởi lẽ, gắn với việc tổ chức hoạt động học tập, chuyển giao và hướng dẫn học sinh thực hiện nhiệm vụ, các em sẽ tích cực, chủ động tham gia vào mọi bước của quá trình đọc văn bản nói riêng và thực hiện các hoạt động phát triển năng lực nói chung.
Vì thế, mỗi một hoạt động của học sinh đều được ghi nhận, đánh giá. Việc kiểm tra đánh giá thường xuyên sẽ được thực hiện ở mọi thời điểm, qua những hình thức, cách thức, công cụ đa dạng. Điều này khích lệ, tạo cơ hội cho học sinh tích cực tham gia vấn đáp, trao đổi, thảo luận, bài tập nhóm. Kiểm tra viết sẽ chỉ là một trong rất nhiều các hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên cho học sinh.
Phương pháp dạy môn Ngữ Văn mới gắn với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giúp phát huy tối đa sự sáng tạo của giáo viên và học sinh trong việc chủ động lựa chọn bộ sách phù hợp, ngữ liệu đặc sắc, giàu giá trị, văn bản đọc hiểu tiêu biểu cho thể loại,...
Ngoài ra, sự sáng tạo được thể hiện trong việc thiết kế, tổ chức các hoạt động, chuyển giao nhiệm vụ học tập, tương tác của người dạy; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của cá nhân, được khuyến khích và tạo điều kiện, được trân trọng và ghi nhận mọi kết quả học tập, tiến bộ của từng người học;...
Tất nhiên việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo yêu cầu mới cũng sẽ đặt ra một số thách thức, khó khăn với cả người dạy và người học. Trong đó, trước hết là người dạy phải tự nghiên cứu, học tập, bồi dưỡng thêm rất nhiều, phải nỗ lực đổi mới từng ngày, thậm chí là “thay máu” trong quan niệm và cách thức dạy học.
Tuy nhiên, vì mục tiêu giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất phù hợp với yêu cầu giáo dục hiện đại, tạo ra thế hệ người học năng động, chủ động, sáng tạo, cô Châm tin rằng sự nỗ lực nghiên cứu, nắm vững chương trình, thực hiện đúng hướng, đúng cách sẽ đạt được hiệu quả, thành công.
Tìm kiếm ngữ liệu đạt chuẩn về giá trị văn hóa, tư tưởng, thẩm mỹ
Theo quan điểm của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, công tác lựa chọn ngữ liệu là một phần quan trọng và khó khăn nhất đối với người ra đề. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có những quy định thống nhất về ngữ liệu, về những tác giả đã được thẩm định, về những tác phẩm đã được thời gian “trả lời”.
Vì nếu ngữ liệu lựa chọn mở rộng quá, thì có thể không đảm bảo đạt chuẩn giá trị văn hóa, tư tưởng và thẩm mỹ của văn chương, có thể gây ra những tranh cãi không đáng có, không cần thiết. Giáo viên cũng cần có kinh nghiệm để cân nhắc lựa chọn văn bản nào làm ngữ liệu để đánh giá, kiểm tra, phải phù hợp về mặt tư tưởng, giáo dục và tâm sinh lý, tuổi tác của các em học sinh ở từng bậc học nữa.
Chúng ta cần cân nhắc câu chuyện về lựa chọn ngữ liệu kiểm tra, đánh giá một cách nghiêm túc để làm sao đề thi ra ở bất kỳ trường nào cũng không gây tranh cãi tiêu cực, có vấn đề nhạy cảm hay không mang nhiều giá trị thẩm mỹ, giá trị tư tưởng, không đạt được hiệu quả văn chương.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xuất bản những quyển sách về ngữ liệu bổ sung thêm môn học. Như tại Trường Trung học Phổ thông Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, các thầy cô đều thống nhất quy định đọc và lấy ngữ liệu trong đó để làm mẫu đạt chuẩn, vì các tác phẩm đã có sự chắt lọc rồi. Đã đến lúc chúng ta cần phải đảm bảo được giá trị của ngữ liệu khi đưa vào đề bài kiểm tra, đánh giá.
Mặt khác, thầy Trần An Nhàn - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk) cũng nêu ý kiến: Nhà trường dựa trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện công tác giảng dạy, kiểm tra, đánh giá cùng tổ chuyên môn.
Trên cơ sở đó, việc tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực là một hướng tiếp cận hiện đại, giúp người học có thể nắm vững phương pháp cảm thụ văn học, chủ động phát huy tính sáng tạo của bản thân, tránh học tủ, học vẹt.
Lấy một ví dụ như trong lĩnh vực bóng đá, huấn luyện viên là người bày ra lối đá, chỉ ra kỹ thuật đúng cho cầu thủ có thể chơi ở bất kỳ loại sân nào, với loại bóng khác nhau. Tương tự, vai trò của giáo viên hiện nay cũng như vậy, cần đào tạo học sinh theo hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá một cách năng động và tích hợp, phát huy được năng lực, sở trường của học sinh.
Song, nhà trường cần định hướng cho các thầy cô làm sao để xây dựng đề kiểm tra, đánh giá phải đảm bảo được độ chuẩn mực theo quy phạm của sư phạm, của giáo dục, với mục đích cuối cùng là định hướng cho các em phát triển toàn diện. Giáo viên cần sáng tạo trong khâu ra đề, đồng thời cũng bám sát với hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để có những bộ đề kiểm tra, đánh giá chất lượng.