Làm 'sống lại' không gian hai bên bờ sông Hồng, đặt nền móng cho 'siêu đô thị' tương lai

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được định hướng là cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành các trục không gian đặc trưng hành lang xanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, đặt nền móng cho hình hài của thành phố sông Hồng trong tương lai.

Nhiều năm qua, khu vực đất bãi bồi ven sông Hồng thuộc các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên (Hà Nội)… có nhiều địa điểm bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích như dựng lều lán, biến thành nơi đổ vật liệu và rác thải sinh hoạt, ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị.

“Giải phóng” hai bờ sông

Trước diễn biến từ thực tế, kể từ đầu năm 2024, các địa phương đã đồng loạt ra quân giải tỏa công trình lấn chiếm, thu dọn phế thải, trả lại không gian cho các bãi bồi ven sông Hồng, đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống lũ lụt trong mùa mưa.

Điển hình, từ giữa tháng 4/2024, UBND quận Ba Đình đã chỉ đạo phường Phúc Xá thực hiện giải tỏa lấn chiếm bờ vở, bãi bồi ven sông Hồng với diện tích khoảng 90.000m2.

Trục sông Hồng được kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế mới của Thủ đô.

Trục sông Hồng được kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế mới của Thủ đô.

Ông Bùi Thanh Xuân, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá, cho biết ngay sau khi có kế hoạch của quận, phường đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân và hệ thống chính trị để tạo sự đồng thuận, đồng thời thành lập 6 tổ công tác trực tiếp đến các hộ gia đình vận động người vi phạm tự giác chấp hành tự tháo dỡ, di dời vật dụng, vật nuôi trên đất vi phạm cũng như thiết lập hồ sơ xử lý hành chính.

Tại khu vực gầm cầu và giáp cầu Long Biên (khoảng 4.000m2), phường Phúc Xá đã huy động lực lượng tiến hành giải tỏa, xử lý rác thải, phát quang... Đối với những hộ dân làm lều lán ở khu vực bãi bồi ven sông thuộc phạm vi giải tỏa, phường tiếp tục kiên trì vận động người vi phạm chấp hành.

Kết quả, sau hơn 2 tháng tập trung thực hiện, đến nay, công tác giải tỏa lấn chiếm, thu dọn phế thải đổ trộm lưu cữu từ nhiều năm trên địa bàn phường Phúc Xá đã cơ bản hoàn thành, trả lại hiện trạng đúng cao độ đất bờ và lòng sông.

Sau đợt ra quân quyết liệt, để chống tái lấn chiếm và bảo vệ môi trường khu vực ven hai bên bờ sông, phường Phúc Xá dự kiến tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường...

Đặt nền móng cho đô thị tương lai

Sự quyết liệt trong công tác “giải phóng” hai bên bờ sông là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong chiến lược hiện hoàn thiện Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được định hướng là trung tâm kinh tế của vùng Thủ đô, đặt nền móng cho hình hài của thành phố sông Hồng trong tương lai.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được định hướng là trung tâm kinh tế của vùng Thủ đô, đặt nền móng cho hình hài của thành phố sông Hồng trong tương lai và Hà Nội sẽ quay mặt vào dòng sông để phát triển, thay vì "quay lưng" phát triển về phía Tây.

Trải dài 40km (từ vị trí dự kiến xây cầu Hồng Hà đến vị trí sẽ xây cầu Mễ Sở), phân khu quy hoạch có tổng diện tích 11.000ha, trong đó sông Hồng chiếm 33% (3.600ha), đất bãi sông chiếm 50% (hơn 5.400ha).

Theo đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Quy hoạch chung Thủ đô) phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Thành phố.

Khai thác nguồn lực không gian hai bờ các con sông là chủ trương quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội tại Hà Nội.

Khai thác nguồn lực không gian hai bờ các con sông là chủ trương quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội tại Hà Nội.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nêu rõ nếu khai thác tốt quỹ đất 3.000ha này để phục vụ vui chơi, giải trí cộng đồng, không gian xanh lớn đó sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhiều lứa tuổi.

Đánh thức được những nguồn lực và lợi thế của sông Hồng đồng nghĩa sẽ khai thác toàn diện hệ sinh thái tiềm năng tại khu vực này, phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như xu hướng phát triển đô thị hiện nay.

Với tầm quan trọng trên, Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua cũng có nhiều nội dung đề cập tới việc tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô.

Cụ thể, Luật Thủ đô năm 2024 cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất.

Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan.

Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy.

Tháo gỡ vướng mắc, tạo động lực phát triển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo Luật Thủ đô năm 2024, UBND Thành phố phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô và các quy hoạch khác có liên quan. HĐND Thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng các công trình ở bãi sông, bãi nổi.

Những quy định trên là điều kiện thuận lợi, khung pháp lý quan trọng để vừa bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai, vừa khai thác hiệu quả quỹ đất các bãi sông trên địa bàn thành phố Hà Nội theo đúng quy định. Bởi thực tế, Hà Nội có hệ thống sông chảy qua địa bàn và hệ thống đê điều quy mô lớn, ở nhiều cấp độ khác nhau.

Có thể thấy, Luật Thủ đô năm 2024 đã tạo khung khổ pháp lý mới, từ đó giúp hình thành không gian mới cho hệ thống bãi sông, bãi nổi trên địa bàn thành phố Hà Nội đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh mới là vừa bảo đảm phòng, chống thiên tai, vừa phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế cho người dân.

Bên cạnh sông Hồng, Hà Nội còn có 7 con sông chảy qua địa bàn là: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy. Cùng với hệ thống sông và đê điều là diện tích đất bãi sông, bãi nổi trên các dòng sông khá lớn, có quy mô khác nhau.

Vì vậy, vấn đề khai thác bãi sông, bãi nổi trên sông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Quá trình khai thác các quỹ đất bãi sông, bãi nổi cần tính toán để bảo đảm sự kết nối, phù hợp với không gian hình thái tổng thể đô thị, làng xóm trong khu vực cũng như các khu vực phố phường, làng xóm liền kề.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, TP. Hà Nội cần tiếp tục điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô và đồ án Quy hoạch chung Thủ đô, nâng cao chất lượng quy hoạch để đáp ứng những yêu cầu lần đầu tiên đặt ra.

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cần tập trung nguồn lực để thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống, đồng thời phải có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt hướng tới môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Thành phố.

Nam Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/lam-song-lai-khong-gian-hai-ben-bo-song-hong-dat-nen-mong-cho-sieu-do-thi-tuong-lai-1100905.html