Làm sống lại những giá trị lịch sử của Hải Vân Quan
Đã có thời điểm, vì những vướng mắc liên quan đến quản lý địa lý hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, di tích Hải Vân Quan không được bảo vệ nên bị xuống cấp trầm trọng, chẳng khác gì phế tích khiến bao người xót xa. Bởi vậy, việc Hải Vân Quan được công nhận Di tích quốc gia, được đầu tư cả trăm tỉ đồng để tu bổ, tôn tạo đã làm 'sống lại' những giá trị lịch sử của di tích 'con đường thiên lý Bắc - Nam' này.
Chìm vào mây quên lãng
Theo sử sách ghi lại, Hải Vân Quan được xây dựng từ đời Trần và được trùng tu vào năm Minh Mạng thứ 7 (năm 1826), là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân, thuộc dãy núi Bạch Mã - Hải Vân cũng là ngay ranh giới giữa phủ Thừa Thiên và Quảng Nam (tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng ngày nay). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Đà Nẵng đề “Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan”.
Chúa Nguyễn Hoàng khi xưa cũng xem vị trí cửa ải trên đèo Hải Vân này là “yết hầu của vùng Thuận Quảng”. Về sau, Hoàng đế Gia Long ngay sau khi lên ngôi cũng điều quân tới ải Hải Vân canh giữ. Theo Đại Nam Thực Lục, sau khi trùng tu Hải Vân Quan, vua Minh Mạng đã “phái biền binh 4 đội Hữu Sai và 2 đội Ứng Sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, súng phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây cùng thuốc đạn theo súng) theo viên tấn thủ đóng giữ”.
Tuy nhiên, do Hải Vân Quan nằm trên đỉnh núi cao, quanh năm mây phủ, mưa nhiều cùng với ảnh hưởng của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh nên tường lũy, cửa quan đã bị hư hại khá nhiều. Di tích này chỉ còn lại phần tháp canh và cổng quan với vẻ rêu phong, cổ kính. Các đồn bốt, hầm hào, pháo đài... lộ vẻ mục nát, lẩn khuất sau các bụi cây cỏ mọc um tùm, bít hết lối đi.
Tại hai cổng quan, gạch đá vỡ nát rơi vãi khắp nơi. Nhiều kiến trúc khác cũng trong cảnh hư hại nghiêm trọng. Không có ban quản lý nên khu di tích Hải Vân quan xuống cấp trầm trọng, du khách, người dân không khỏi xót xa khi thấy đây chẳng khác gì phế tích. Để không có mất vệ sinh, người ta đóng cửa hoặc rào lại, nhìn rất mất mĩ quan. Sở dĩ “cha chung không ai khóc” là do phần phía Bắc của di tích thuộc địa phận của thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế); phần phía Nam lại thuộc quản lý của phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Địa phương nào cũng muốn đầu tư nhưng lại gặp vướng mắc. Và cứ thế, Hải Vân Quan cứ sừng sững trên đỉnh đèo nhưng chẳng khác gì rơi vào quên lãng.
Làm sống lại phế tích
Sau nhiều lần Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cùng “ngồi lại” để thống nhất, cùng làm đề nghị, ngày 14-4-2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Hải Vân Quan là Di tích quốc gia. Ngày 24-5-2017, trên đỉnh Hải Vân đã diễn ra một sự kiện đáng nhớ khi lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bắt tay và trao nhau biên bản hợp tác bảo tồn và phát huy giá trị Hải Vân Quan. Đó như là dấu mốc hồi sinh cho Hải Vân Quan. Cái bắt tay không chỉ ghi nhớ sự hợp tác bảo tồn di tích này, mà còn mở ra một cuộc hợp tác phát triển của hai vùng đất. Nhờ vậy, Hải Vân Quan đang dần “sống lại”.
Sau đợt tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan vào tháng 5-2018 thì đến giữa năm 2019, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng đã ký một biên bản ghi nhớ “góp” hơn 20 tỉ đồng mỗi bên để thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo Hải Vân Quan.
Ngày 19-12-2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ khởi công dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng (50% từ nguồn ngân sách thành phố Đà Nẵng, 50% từ nguồn ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế).
Theo quy mô đầu tư và phương án xây dựng, sẽ tháo dỡ toàn bộ các lô cốt phía trên Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đến nền gốc tích thời nhà Nguyễn. Việc tu bổ cửa Hải Vân Quan, cửa Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan sẽ được tiến hành theo các dấu tích nguyên gốc; phục hồi, thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá Thanh, tường xây gạch vồ; gia cố, chống nứt, chống thấm cho các khối xây; phục hồi lan can xây gạch vồ chia ô hộc và trang trí trên nóc theo tư liệu; phục hồi hệ thống cửa ván ghép con tiện gỗ.
Đối với hệ thống tường thành nhà Nguyễn sẽ được phục hồi bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học và dấu vết trên tường hông Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan. Việc gia cố toàn bộ hệ thống chân tường thành sẽ được làm bằng vữa neo, các vị trí xung yếu gia cố bằng bê tông. Phục hồi thân tường theo các đoạn nguyên gốc được khảo cổ. Phía trong tính từ mặt tường và các khu vực chân móng được gia cố khối xây vữa truyền thống tăng cường khả năng cố kết và chịu lực của tường...
Dự án cũng phục hồi nhiều hạng mục của nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố; tuyến bậc cấp từ Hải Vân Quan xuống phía thành phố Đà Nẵng; tuyến đường Thiên Lý từ tại Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đi tỉnh Thừa Thiên Huế; sân đường giữa Hải Vân Quan và tại Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan; kè phân thủy và chống sạt, chống trượt hướng Đông Bắc di tích; các lô cốt; bia Chiến thắng Đồn Nhất.
Như vậy, có thể thấy, tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng đều nỗ lực “đưa” Hải Vân Quan về nguyên trạng ban đầu. Bởi theo các lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, điều quan trọng của việc trùng tu, tôn tạo Hải Vân Quan “không chỉ đơn thuần là khai thác du lịch mà còn là giữ danh thắng mang bài học giá trị lịch sử cho thế hệ mai sau”.