Lâm Thao khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong năm học mới
Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa, năm học 2024-2025 chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện Lâm Thao, số lượng giáo viên hiện chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong năm học mới. Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành và chất lượng giảng dạy của các nhà trường trong khi ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện với nhiều môn học mới, yêu cầu mới...
Tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn huyện Lâm Thao xảy ra ở khối THCS và Mầm non. Toàn huyện hiện có 349 giáo viên giảng dạy ở khối THCS với 199 lớp. Để đảm bảo tỷ lệ 1,9 giáo viên/lớp theo quy định, huyện cần có 378 giáo viên. Như vậy, so với nhu cầu thực tế còn thiếu 29 giáo viên thuộc các bộ môn: Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất và Công nghệ.
Chúng tôi đến thăm Trường THCS Vĩnh Lại - Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 trước thềm năm học mới. Dù Trường ở vùng nông thôn, nhưng cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư khang trang, sạch đẹp, phòng lớp học và các phòng chức năng được trang bị đầy đủ, đồng bộ các thiết bị đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện nay.
Tuy nhiên, điều khiến Nhà trường còn băn khoăn, trăn trở đó là việc thiếu giáo viên. Năm học 2024-2025, Trường THCS Vĩnh Lại có 21 giáo viên/14 lớp học, đạt tỷ lệ 1,55 giáo viên/lớp. So với quy định, để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, Trường còn thiếu 5 giáo viên thuộc các bộ môn: Toán, Ngữ Văn và Khoa học tự nhiên.
Thầy giáo Cao Xuân Hoạt - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Tình trạng thiếu giáo viên ở Trường đã diễn ra từ những năm học trước. Nhà trường đã phải hợp đồng bổ sung với giáo viên các trường khác để đảm bảo chương trình giảng dạy cho học sinh. Trước tình hình thiếu giáo viên trong năm học mới, Trường đã làm tờ trình gửi Phòng GD&ĐT, Phòng Nội vụ, mong các cơ quan chức năng sớm bổ sung biên chế để đáp ứng nhu cầu dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục...”.
Cùng chung tình trạng thiếu giáo viên như khối THCS, khối Mầm non cũng còn thiếu 41 giáo viên. Toàn huyện hiện có 417 giáo viên mầm non, trong đó 249 biên chế, còn lại là hợp đồng huyện. Trong khi năm học 2024-2025, huyện cần có 458 giáo viên để đáp ứng việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ ở 204 nhóm lớp học. Ngay cả đối với những trường có đủ số lượng giáo viên thì việc đông giáo viên hợp đồng cũng là điều khiến ban giám hiệu băn khoăn, lo lắng.
Cô giáo Bùi Thị Thanh Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tứ Xã 2 chia sẻ: “Năm học này, Trường duy trì 11 nhóm lớp. Trong số 24 giáo viên, chúng tôi có tới 10 giáo viên hợp đồng, trong đó có cô hợp đồng từ năm 2017. Mặc dù tính chất, khối lượng công việc giữa đội ngũ giáo viên biên chế và hợp đồng như nhau, nhưng thu nhập của giáo viên hợp đồng chỉ bằng 1⁄2 so với biên chế. Theo mức lương mới, mỗi cô giáo hợp đồng chỉ nhận về gần 4,4 triệu đồng/tháng là quá thấp so với mức lương trung bình của người lao động hiện nay, cuộc sống rất khó khăn. Vì thế, nếu không được xét vào biên chế, nhiều cô khó có thể gắn bó lâu dài với trường, lớp và việc thiếu giáo viên là điều dễ xảy ra”.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn huyện được xác định do quy mô trường lớp tăng cao trong những năm gần đây, nhất là ở bậc Mầm non và THCS, trong khi số lượng giáo viên được giao cơ bản ổn định. Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, do vậy bậc học mầm non gần đây chưa được giao tuyển dụng, còn thiếu so với chỉ tiêu số lượng người làm việc đã được giao. Những năm gần đây, do yếu tố kinh tế thị trường, giá cả tăng cao, đời sống một số giáo viên không đảm bảo; do áp lực công việc, một số giáo viên xin thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi...
Đồng chí Ngô Đại Toàn - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lâm Thao cho biết: Phòng đã tiến hành rà soát, tham mưu sắp xếp, bố trí giáo viên giữa các trường trên địa bàn, từng bước đảm bảo hợp lý về số lượng, cơ cấu, hạn chế tối đa việc giáo viên dạy trái môn. Một số môn sẽ huy động giáo viên dạy liên trường, còn lại phải ký hợp đồng; tăng cường giao tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập, tự chủ một phần chi thường xuyên, giám sát số lượng nhân viên làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục chủ động trong hợp đồng giáo viên... Huyện cũng sẽ duy trì chính sách hỗ trợ đối với giáo viên hợp đồng ở bậc Mầm non để đảm bảo tỷ lệ giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục công lập.