Làm thế nào để dạy con học tại nhà không biến thành 'cuộc chiến'?
Việc tìm kiếm phương pháp dạy con học hiệu quả là một nhiệm vụ không hề đơn giản.
Nuôi dạy trẻ là một quá trình kéo dài và đầy thử thách. Mỗi đứa trẻ có khả năng tiếp thu kiến thức khác nhau. Do đó, phương pháp dạy con của các phụ huynh cũng cần được điều chỉnh phù hợp. Việc tìm kiếm phương pháp dạy con học hiệu quả là một nhiệm vụ không hề đơn giản.
Nhiều cha mẹ coi việc kèm con làm bài tập về nhà như một cuộc chiến lâu dài. Trong đó, hai bên giằng co chính là cha mẹ và con – những người có quan hệ thân mật nhất với nhau.
“Dở khóc, dở cười”
Thực tế, việc học tập của con luôn là mối quan tâm hàng đầu của các phụ huynh. Cha mẹ không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp kiến thức, mà còn là những người thầy, bạn đồng hành, giúp con xây dựng thói quen học tập tốt và khơi dậy niềm đam mê học hỏi.
Tuy nhiên, để dạy con học sao cho hiệu quả, cha mẹ cần có phương pháp đúng đắn và sự kiên nhẫn. Câu hỏi mà không ít phụ huynh đặt ra là: Làm thế nào để cha mẹ có thể hỗ trợ con phát triển toàn diện trong việc học tập một cách hiệu quả nhất?
Song, chắc hẳn, không ít cha mẹ từng nhiều lần “vò đầu bứt tóc” mỗi khi xem bài tập của con, nhất là khi có con học lớp 1.
Một nữ phụ huynh từng chia sẻ lên mạng xã hội hình ảnh con đang học bài. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì bất thường cho đến khi nhìn sang “vật dụng đặc biệt” đi kèm. Đó chính là… một chuỗi tràng hạt. “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Không được đánh, không được mắng con”, bà mẹ tự nhủ. Dưới bài đăng, cư dân mạng được một phen cười “vỡ bụng” vì hình ảnh quá hài hước. Nhiều phụ huynh bỗng nhận ra bóng dáng mình trong đó.
Chị Ngọc - chủ nhân của bức ảnh cho biết, đó là hình ảnh chị đăng vào nhóm để tạo không khí vui vẻ và xả stress. Bé Win, con chị không đi học tiền tiểu học mà chỉ được mẹ dạy đọc bằng cuốn đánh vần tiếng Việt. Tuy nhiên, em học khá tốt, bản thân chị cũng không quá quan trọng về thành tích, chủ yếu cho con vừa học vừa chơi để bé không áp lực và mất hứng thú với việc học.
Tầm 7 giờ tối mỗi ngày, Win bắt đầu học ở nhà với mẹ, làm bài tập cô giao và bài nâng cao. Tuy nhiên, cũng như những đứa trẻ ở lứa tuổi mới chuyển từ mầm non lên lớp 1, Win có những lúc làm biếng và thiếu tập trung. Những lúc đó, chị Ngọc cũng rơi vào tâm trạng mất bình tĩnh.
“Những khi bé lười, mình đưa ra ví dụ cho con tự suy nghĩ về bản thân. Được sống trong hoàn cảnh tốt, phải biết học, điều đó rất quan trọng. Còn có các bé mồ côi cha mẹ, hoặc theo cha mẹ làm việc cực khổ, dù rất muốn học nhưng không được. Bé mình biết suy nghĩ lắm. Đôi khi bé mất tập trung, mình cho bé nghỉ tầm 5 phút rồi học lại. Trong thời gian đó, mẹ nói giỡn vui vài câu về chủ đề con thích hoặc hỏi về việc học ở lớp, từ từ hướng bé vào việc học trở lại. Lúc bé học, mình ngồi kế bên đọc sách, cố tập trung cho bé bắt chước. Mình luôn nói với con khi mẹ bực hay nóng giận, con hãy ôm hôn mẹ là mẹ hết bực ngay. Bạn ý toàn làm vậy”, nữ phụ huynh chia sẻ.
Quả thật trên các diễn đàn, chủ đề kèm con học luôn rôm rả. Hàng loạt tình huống “dở khóc dở cười” được chia sẻ luôn nhận về sự đồng cảm sâu sắc từ những vị phụ huynh khác.
Dù đã nhiều lần luôn tự nhắc phải hít thở sâu, bình tĩnh khi dạy con học, nhưng đôi khi, các cha mẹ giảng mãi mà trẻ không hiểu. Hoặc, khi trẻ lơ là, mất tập trung, người lớn như mất hết năng lượng, lại “nổi điên” với con.
Nhiều phụ huynh cho rằng, với trẻ nhỏ, nhất là bé học cấp 1, các bé chưa ý thức được việc học. Do đó, phụ huynh phải thường xuyên nhắc nhở con. Nếu cha mẹ không kèm cặp con sẽ dẫn đến việc trẻ bỏ bê học tập.
Cần quá trình lâu dài
Theo ThS.BS Quách Thúy Minh - nguyên Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, những khi dạy con học hoặc bảo con làm việc gì mà trẻ không làm được, một số cha mẹ thường quát mắng trẻ. Những câu nói như: Sao ngu dốt thế, có thế mà không làm được, đầu bã đậu, học phí cơm, ngu như… thường bị buột miệng ra kèm với giọng nói chỉ trích nặng nề. Những câu nói đó khiến trẻ nổi nóng cãi lại hoặc ì ra không chịu học. Như vậy, việc dạy con học lại trở thành một buổi ầm ĩ cả nhà, mà cuối cùng trẻ không đạt được tiến bộ.
Không những thế, có phụ huynh còn giơ tay đánh con, ấn tay dí vào đầu hoặc quăng ném sách vở của trẻ.
“Phải chăng những cha mẹ đó không yêu thương con mình? Phải chăng cha mẹ nghĩ là bằng cách đánh mắng thì con học mới vào? Có lẽ, đấy chỉ là những hành động bột phát thể hiện sự kém kiềm chế không làm chủ được cảm xúc của cha mẹ”, ThS Thúy Minh chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia này, mỗi trẻ sinh ra có những tư chất khác nhau. Có em thông minh, có em chậm hơn một chút so với bạn bè cùng lứa. Tuổi nhỏ là tuổi còn vui chơi, đang phát triển về thể chất và tâm lý. Những kỳ vọng của cha mẹ là con ngoan, học giỏi là điều đương nhiên, nhưng dạy dỗ sao cho trẻ nên người thì cần cả một quá trình lâu dài và sự kiên nhẫn.
Thực tế, phụ huynh nên thử đặt mình vào vị trí của trẻ. Khi khó khăn, trẻ cần sự khuyến khích, định hướng nên làm thế nào cũng như sự ân cần chỉ bảo. Bản thân cha mẹ sau khi quát mắng con cũng chưa nguôi sự giận dữ hoặc có khi lại tự trách bản thân.
Khi đang giận dữ, các phụ huynh thường không đủ tỉnh táo và sáng suốt để nghĩ ra nên tìm cách nào nhằm giúp đỡ con hiểu ra vấn đề. Nếu cha mẹ thường xuyên nóng tính, thì trẻ cũng sẽ học tính đó của phụ huynh. Khi đó, trẻ sẽ trở thành người nóng tính hoặc bướng bỉnh, lì lợm chống đối.
Trong khi đó, một số trẻ né tránh tiếp xúc, không cởi mở chuyện trò chia sẻ với cha mẹ những khó khăn của mình trong học tập cũng như cuộc sống. Khi đó, sự nóng tính vô tình đẩy con trẻ xa rời cha mẹ.
Theo ThS Thúy Minh, muốn kiềm chế được sự nóng nảy của mình khi dạy dỗ con, cha mẹ phải luôn giữ bình tĩnh và để cảm xúc được cân bằng. Ví dụ, nếu trẻ mắc một lỗi lầm nào đó, cha mẹ nên xem xét sự việc đã xảy ra như thế nào một cách khách quan, hỏi con cặn kẽ, nghe trẻ kể lại và giải thích. Sau đó, có thể tìm hiểu thêm nếu sự việc đó có liên quan đến người khác.
Cha mẹ có thể đặt cho con câu hỏi để trẻ tự nhận thức được vấn đề, tự nhận thấy sai sót của mình và hướng giải quyết. Sau đó, phụ huynh bàn bạc với con và tìm ra cách khắc phục sai lầm cũng như đưa ra định hướng tiếp theo.
Nếu cha mẹ dạy con học nhưng trẻ kém tập trung, phụ huynh nên nhắc nhở con vào bài học, không nên để những yếu tố môi trường gây nhiễu. Nếu con không biết cách làm một bài toán, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ đọc kỹ đề bài, xem lại kiến thức cơ bản đã học rồi áp dụng vào bài tập đang làm…
Với những trẻ nhỏ nhận thức còn chưa phát triển, phụ huynh nên hướng dẫn con cụ thể cách làm theo thứ tự từng bước, vừa làm vừa giải thích cho trẻ hiểu. Từ đó, giúp trẻ dễ dàng thực hành theo. Mỗi khi thấy trẻ cố gắng hoàn thành một việc gì đó, cha mẹ nên khen ngợi động viên con để trẻ tiếp tục phát huy.
ThS Thúy Minh cho biết, lời khen, lời động viên đối với trẻ em có hiệu quả giáo dục rất nhiều so với những lời chỉ trích mắng mỏ nặng nề.
“Nếu chẳng may con mắc lỗi làm cha mẹ rất giận dữ thì khi đó, phụ huynh nên tự kiềm chế bản thân bằng cách hít thở sâu, không căng thẳng đầu óc, thả lỏng các cơ bắp, dừng lại một lúc. Không nên nói to và cân nhắc nên nói với con như thế nào cho có tác dụng. Tất nhiên, nếu con có hành vi vi phạm nặng nề, chúng ta phải có thái độ kiên quyết và dứt khoát. Tuy nhiên, thái độ phải bình tĩnh và lời nói phải mang tính thuyết phục”, chuyên gia gợi ý.
Đối với những trẻ có những vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, tăng động, tự kỷ… thì thái độ của cha mẹ là cần bình tĩnh, nhẹ nhàng, tình cảm. Cha mẹ cần đối xử với trẻ như bình thường và chấp nhận con. Phụ huynh không nên chê bai, mắng mỏ, cười nhạo, coi thường trẻ vì điều đó sẽ làm trẻ mất tự tin, đồng thời hãy làm người bạn, người thầy của con với tình cảm của cha mẹ đồng hành cùng con. Điều đó sẽ giúp trẻ vượt qua được những khó khăn để hòa nhập với cuộc sống.
“Nhiều khi, cha mẹ dù muốn dù không cũng phải ngồi học cùng con, đặc biệt là khi trẻ vào tiểu học. Như con tôi, ngày nào cũng phải tập viết và học làm thêm toán. Nếu không kèm cặp con thì trẻ không làm được bài, rồi bé khóc vì sợ ngày mai vào lớp bị điểm kém. Thế là hai mẹ con phải cùng học đến tối muộn. Đúng là phần đông phụ huynh chúng tôi không có phương pháp dạy, nhưng vì việc học của con, chúng tôi phải luôn nỗ lực tìm cách để đồng hành, để trẻ không bị bỏ lại phía sau”, chị Nguyễn Thanh Hậu - một phụ huynh có con học lớp 2 tại quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ.