Ngành bán lẻ Việt Nam xây dựng mô hình lai

Các tập đoàn nước ngoài chiếm ưu thế trên thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam, với tầng trên là các đại siêu thị và trung tâm thương mại, còn tầng dưới là các chuỗi cửa hàng tiện lợi. Trước sự hiện diện của bầy 'cá mập' và 'cá lòng tong', các doanh nghiệp ngành bán lẻ Việt Nam đang chiếm lĩnh phân khúc giữa, với các chuỗi siêu thị mini và mô hình lai giữa siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi.

Gian hàng rau củ của một siêu thị WinMart.

Gian hàng rau củ của một siêu thị WinMart.

Các đợt tái cấu trúc của WinMart và Bách hóa Xanh trong các năm qua đang mang lại nhiều dấu chấm phá trong kinh doanh của năm 2024-2025.

Giữ thị phần trên sân nhà

Yếu tố tiện lợi đã được các hãng bán lẻ hàng đầu của Việt Nam khai thác làm lợi thế cạnh tranh, bước ra ngõ đã gặp một cửa hàng, thậm chí mạng lưới dày đặc hơn các chuỗi bán lẻ ngoại. “Theo sự phân loại của tôi, Bách hóa Xanh là chuỗi siêu thị mini 100%. Còn WinMart và các hệ thống cửa hàng WinMart+ và WIN là mô hình lai giữa siêu thị, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi”, Giám đốc FnB Director Đỗ Duy Thanh trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Nhiều người thường lo lắng rằng thị trường bán lẻ Việt Nam đang thuộc vào tay doanh nghiệp nước ngoài, với các gã khổng lồ từ Nhật Bản như Aeon Mall, Emart của Hàn Quốc, Central Retail của Thái Lan… Các tập đoàn này thường chiếm lĩnh mảng đại siêu thị hoặc/và trung tâm thương mại như Aeon, Lotte, Emart hay Mega Market. Trong đó, Aeon Mall có đến 12 trung tâm mua sắm ở các thành phố lớn của Việt Nam, doanh số hơn 7 tỉ đồng mỗi ngày, lợi nhuận tổng hợp đạt 2 tỉ đồng, theo các báo cáo của Aeon Mall. Các con số này bao gồm nhiều mảng như siêu thị, ăn uống, cho thuê mặt bằng, sự kiện, rạp chiếu phim…

Hồi tháng 9-2023, Lotte Mall Tây Hồ - gồm trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê - khai trương với tổng diện tích sàn lên đến 354.000 mét vuông, vượt qua hai trung tâm Vincom Mega Mall Royal City và Vincom Mega Mall Times City tại Hà Nội - từng là hai trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam.

Tuy vậy, báo cáo của Finn Group công bố cuối tháng 8-2024 đã khẳng định: Các công ty trong nước đang “thống lĩnh” thị trường bán lẻ nội địa, với 70% thị phần. Còn các nhà bán lẻ nước ngoài đang gia tăng sự hiện diện và mở rộng chuỗi bán lẻ, đặc biệt là các chuỗi cửa hàng tiện lợi.

Hình thành từ năm 2014, WinMart từng thuộc sở hữu của VinGroup, dưới cái tên VinMart, có giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện WinMart là chuỗi siêu thị, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi có mạng lưới rộng khắp Việt Nam, với hơn 131 siêu thị và gần 3.000 cửa hàng theo trang web của công ty. Nhưng các số liệu cập nhật khác cho thấy WinMart hiện có trên 3.700 cửa hàng, bao gồm các cửa hàng WIN và WinMart+ Nông thôn.

Chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Bách hóa Xanh bắt đầu hoạt động thử nghiệm tại TPHCM cuối năm 2015, nhằm tìm kiếm mô hình bán lẻ cho chủ sở hữu là Tập đoàn Thế Giới Di Động. Năm 2016, chuỗi bắt đầu mở rộng mô hình thành công, tập trung vào thị trường TPHCM và các tỉnh thành phía Nam. Chuỗi siêu thị mini này hiện có hơn 1.700 cửa hàng.

Các nhà bán lẻ khác của Việt Nam cũng nhanh chóng mở rộng hệ thống siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi. Cho đến nay, Co.opmart có đến 391 cửa hàng, gồm đại siêu thị, siêu mini và chuỗi cửa hàng tiện lợi Co.opsmile và Cheers (liên doanh với một tập đoàn bán lẻ Singapore). Còn có Satrafoods với 221 cửa hàng. Các chuỗi nhỏ khác cũng bắt đầu hình thành, với số lượng từ một vài cửa hàng, đến hơn một vài chục.

Giải bài toán lợi nhuận

Cửa hàng tiện lợi thường nhắm đến khách hàng cá nhân tìm kiếm sự tiện lợi, nhanh và ngay lập tức, vì thế doanh số không thể quá lớn. Các loại hình siêu thị thì nhắm đến đối tượng khách hàng gia đình, nên doanh số cao hơn.

Lợi nhuận là thách thức lớn trong ngành bán lẻ, đặc biệt với các chuỗi tiện lợi có số lượng cửa hàng ít hoặc các siêu thị, cửa hàng thực phẩm nhỏ. “Đầu tiên là nguồn tài lực thiếu thốn. Kế đến là khó khăn hay bất lợi trong chuỗi cung ứng, cửa hàng nhỏ và hệ thống nhỏ khó kiểm nguồn hàng giá tốt và điều kiện ưu đãi”, ông Đỗ Duy Thanh của FnB Director nói.

Vị chuyên gia này nói lợi nhuận gộp (gross profit) bình quân của các mô hình bán lẻ là khoảng 20-25%. Ví dụ, doanh thu thuần (net revenue) mỗi tháng 1 tỉ đồng chỉ mới trừ giá vốn hàng hóa đã bán được (COGS) thì lợi nhuận gộp là 200-250 triệu. Nếu doanh thu hàng tháng 500 triệu đồng thì lợi nhuận gộp còn 100-125 triệu, giảm 50%. “Nếu thuê mặt bằng giá từ 40 triệu đồng, rồi phải trả chi phí điện nước, phí an ninh, tiền nhân công thì không khéo là không lời bao nhiêu”.

Giám đốc Đỗ Duy Thanh nói rằng các siêu thị mini do công ty của ông tư vấn và xây dựng cho khách hàng tại các khu chung cư thường có doanh số tháng 300-500 triệu đồng. “Biên lợi nhuận rất mỏng, nhưng khéo co thì ấm”, ông giải thích.

Báo cáo của Vietdata công bố hồi tháng 7-2024 cho thấy Circle K đạt doanh thu gần 4.000 tỉ đồng trong năm 2022, tức trung bình mỗi cửa hàng đạt 850 triệu đồng/tháng. Con số này giải thích vì sao Circle K lãi hơn 100 tỉ đồng (4 triệu đô la) trong năm 2022.

Trong quí 1-2024, WinMart nói doanh số mỗi cửa hàng đạt 488 triệu đồng mỗi tháng trong quí. Hồi quí 2-2024, WinCommerce - công ty vận hành chuỗi WinMart - thông báo là sẽ đạt lợi nhuận trong năm 2024, với 80% số cửa hàng có lợi nhuận. SSI Research dự báo WinMart thu lợi nhuận hai năm 2024-2025 với mức tương ứng là 228 tỉ đồng và 668 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thị Phương, CEO WinCommerce, tự tin chia sẻ rằng công ty đặt mục tiêu đạt 10.000 cửa hàng vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa công ty cần mở trung bình 1.000 cửa hàng mỗi năm để tăng gấp 3 lần quy mô hiện tại.

Sau bảy năm lỗ liên tục kể từ khi thành lập, năm 2022 Bách hóa Xanh bắt đầu tái cơ cấu kinh doanh, đóng cửa 400 cửa hàng, định lại danh mục hàng hóa. Doanh thu của chuỗi dự kiến sẽ tăng 20%, lợi nhuận có thể đạt 441 tỉ đồng trong năm 2024 và sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2025. Riêng hãng SSI Research dự báo mức lãi trong năm 2024 của Bách hóa Xanh có thể đạt 528 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, cho biết Bách hóa Xanh sẽ chỉ mở ở khu dân cư đông đúc. Chuỗi không mở cửa hàng 300-400 mét vuông nữa, mà tập trung vào các cửa hàng 150-200 mét vuông. Hồi tháng 8-2024, Bách hóa Xanh tự công bố doanh số mỗi cửa hàng của chuỗi đạt 2,1 tỉ đồng.

Hồ Nguyên Thảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nganh-ban-le-viet-nam-xay-dung-mo-hinh-lai/