Làm thế nào để gỡ nút thắt thiếu giáo viên?

Cả nước đang thiếu hơn 100.000 giáo viên, trong đó bậc mầm non thiếu nhiều nhất với 44.000 giáo viên.

Gian nan tuyển dụng giáo viên

Năm học 2022-2023, quận Hoàng Mai Tp.Hà Nội có số học sinh tăng gần 3.800 so với năm ngoái. Nếu bảo đảm đúng quy định về số HS/lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thì Hoàng Mai hiện còn thiếu 36 trường (mầm non 22 trường, tiểu học 13 trường, THCS 1 trường). Trong khi đó, nếu so với chỉ tiêu biên chế được giao năm 2022 thì toàn quận thiếu 214 người (169 giáo viên, 45 nhân viên). Nếu so với quy định của Bộ GD&ĐT thì Hoàng Mai còn thiếu 951 người, trong đó thiếu 790 giáo viên và 161 nhân viên.

Theo UBND Tp.Hà Nội, năm học 2021-2022, tổng số viên chức ngành giáo dục của Tp.Hà Nội còn thiếu so với định mức mà Bộ GD&ĐT quy định là 7.134 biên chế. Năm học 2022-2023, số viên chức ngành giáo dục còn thiếu so với định mức là 3.131. Như vậy hiện thành phố thiếu 10.265 biên chế viên chức, trong đó số giáo viên thiếu của bậc tiểu học là 3.436 người, bậc THCS là 3.135 người, bậc THPT là 1.311 người.

Năm học mới này Tp.HCM thiếu gần 6.000 biên chế giáo viên do đó liên liên tục tuyển dụng nhưng vẫn chưa khả thi. Bởi tính đến ngày 9/9, Tp.HCM mới tuyển được 3.244 giáo viên. Hiện vẫn đang thiếu gần 6.000 giáo viên theo biên chế, trong đó mầm non thiếu 1.006 người, tiểu học thiếu 2.169 người, THCS thiếu 2.467 người, THPT thiếu 297 người.

Tương tự Tp.HCM Cà Mau cũng thiếu giáo viên năm học 2022-2023, khi tiếng Anh, tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, tỉnh này thiếu khoảng 100 giáo viên dạy tin học nhưng lại không thể tuyển vì không có biên chế. Trước mắt, tỉnh phải liên kết với các trường dạy nghề để hợp đồng có thời hạn giáo viên dạy bộ môn này. Trong khi đó, theo ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, năm học 2022-2023, tỉnh thiếu 281 giáo viên, chủ yếu cho môn tin học, ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật, tiếng dân tộc… Các năm học tiếp theo, tỉnh cần hơn 1.200 bổ sung biên chế.

Chia sẻ xoay quanh tình trạng thiếu giáo viên, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết trong năm học 2022-2023, Nghệ An vẫn thiếu trên dưới 6.000 giáo viên. Với tình trạng này, việc triển khai và bảo đảm chất lượng Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ gặp nhiều khó khăn. Năm học 2022-2023, Thanh Hóa thiếu 10.276 giáo viên các cấp học (tỉ lệ thiếu 19%) theo quy định của Bộ GD&ĐT…

Hiện tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra trên khắp cả nước. Bộ GD&ĐT thừa nhận tỉ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đáng chú ý là thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học (ở cấp tiểu học) và thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật (bậc THPT). Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng. Cả nước đang thiếu hơn 100.000 giáo viên. Trong năm 2022, các địa phương cần tuyển thêm hơn 27.000 chỉ tiêu biên chế và từ nay đến năm 2025 là 64.000 biên chế.

Trước thực tế trên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đề nghị các địa phương tập trung giải quyết. Cụ thể, đặt hàng các trường sư phạm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; sắp xếp lại hệ thống trường lớp, giảm trường học có quy mô nhỏ, xây dựng trường nhiều cấp học; xã hội hóa giáo dục ở những nơi đủ điều kiện, đẩy mạnh bố trí giáo viên liên trường, liên cấp nhằm tháo gỡ khó khăn về đội ngũ. Song song đó, mỗi cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ, khẩn trương tuyển dụng giáo viên còn thiếu so với biên chế được giao.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng trước đây khi triển khai chương trình giáo dục theo Quyết định 16/2006 đã xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Đến nay, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các môn học mới khiến nhân sự càng khó khăn hơn. Trong đó, các môn học không thay đổi tên gọi so với chương trình cũ đều giữ nguyên hoặc giảm nhẹ số tiết nên không xáo trộn về nhân sự. Cơ cấu giáo viên biến động ở các môn học mới đòi hỏi sự chủ động rà soát, bố trí đội ngũ tại mỗi đơn vị.

Nhiều địa phương tuyển giáo viên.

Nhiều địa phương tuyển giáo viên.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên

Theo Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, trung bình cứ 100 nhà giáo có 1 người ra khỏi ngành. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, hiện cả nước có 1,6 triệu giáo viên, thiếu khoảng hơn 100.000. Vừa qua, Bộ Chính trị, Chính phủ đã duyệt cho ngành từ nay đến 2025 được tuyển trên 64.000 biên chế, đáp ứng được một phần quan trọng nhu cầu, trong đó, riêng năm 2022 ngành được được duyệt chỉ tiêu hơn 27.000 giáo viên. Dù vậy, chỉ trong năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là trên 16.000 người.

Theo Bộ trưởng Sơn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên. Và để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Sơn cho biết sẽ kiến nghị trung ương cho tăng chỉ tiêu biên chế, hiện đã được giải quyết một phần. Ngành Giáo dục đang thực hiện cơ chế đặt hàng các trường sư phạm, tính toán số chỉ tiêu đào tạo sinh viên để đủ nhu cầu các tỉnh, thành, đặc biệt giáo viên các môn học mới. Cùng với đó, một số nơi đang vận dụng nhiều giải pháp, như huy động giáo viên có chuyên môn để dạy các môn thiếu giáo viên, như giáo viên Toán dạy Tin học...

Ngoài ra, ngành cũng cải thiện môi trường làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn với tinh thần hỗ trợ tối đa, giúp giáo viên yên tâm làm việc. Tuy đã được quan tâm, nhưng do giáo viên đang chiếm gần 70% tổng số công chức, viên chức cả nước nên việc nâng lương không thể "một sớm, một chiều giải quyết được".

Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện Bộ GD&ĐT đang tiến hành cập nhật tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc trong năm học 2021-2022.

"Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này cho thấy, số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc chiếm tỷ lệ khoảng trên 1% so với tổng số giáo viên mầm non và phổ thông trong cả nước", ông Đức thông tin.

Phân tích số liệu cũng cho thấy, số giáo viên nghỉ việc nhiều tập trung ở các khu đô thị, các khu công nghiệp lớn như: Tp.HCM, Hà Nội Đà Nẵng, Bình Dương… có hiện tượng giáo viên nghỉ việc nhiều hơn một chút so với các địa phương khác.

"Tỷ lệ này so với các ngành nghề khác tuy không quá bất thường nhưng lãnh đạo ngành giáo dục hết sức trăn trở", ông Đức chia sẻ. Cũng theo ông Đức, việc giáo viên chuyển việc, nghỉ việc có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan.

Thứ nhất là chính sách tiền lương. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện các chế độ đãi ngộ như phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên… nhưng thu nhập của nhà giáo nói chung và đặc biệt với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng còn rất thấp; trong khi chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, học tập nâng cao trình độ…) khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn để trang trải cuộc sống; trong khi đó ở các khu đô thị, các khu công nghiệp việc tìm kiếm việc làm mới là khá dễ dàng do nhu cầu lao động lớn của các doanh nghiệp.

Thứ hai là một số thầy cô dù gắn bó nhiều năm trong ngành nhưng trước những yêu cầu đổi mới giáo dục thì khả năng đáp ứng còn hạn chế (khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy…) nên cảm thấy bị áp lực. Một số thầy cô lớn tuổi, có sức khỏe không tốt cũng muốn nghỉ hưu sớm hoặc chuyển sang công việc khác nhẹ nhàng hơn… Đối với giáo viên mầm non còn có lý do thời gian lao động trong ngày rất dài, cộng thêm áp lực từ phụ huynh và xã hội rất lớn.

Thứ ba, một số giáo viên được tuyển dụng và phân công đến công tác ở các địa phương khác, xa gia đình trong khi điều kiện sinh hoạt, công tác ở đó còn nhiều thiếu thốn, đường xá xa xôi, thiếu nhà ở công vụ, gặp khó khăn trong việc quan tâm, chăm sóc gia đình. Vì vậy số giáo viên này thường chuyển sang làm công việc khác ở gần gia đình hơn.

Trúc Chi (theo Lao Động, Pháp Luật TPHCM, Vietnamnet)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lam-the-nao-de-go-nut-that-thieu-giao-vien-a576843.html