Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh?
Bệnh tim bẩm sinh là một bệnh lý nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh những hậu quả nghiêm trọng.
Theo thống kê, cứ 1.000 trẻ em được sinh ra sẽ có 8 trẻ mắc các bệnh về tim bẩm sinh. Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ sau này, thậm chí là tử vong.
Để tìm hiểu thêm về bệnh lý này, Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cân Thơ đã chia sẻ chuyên sâu về căn bệnh này trong Chương trình Nhật kí hạnh phúc #74.
- Bệnh tim bẩm sinh là gì?
Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ là những dị dạng ở tim xảy ra khi trẻ còn trong bào thai. Thường sẽ là những khiếm khuyết ở thành tim, vách tim và các thất thường ở buồng tim của trẻ. Tình trạng bệnh sẽ phát triển từ lúc sinh ra đến lúc lớn lên, nhưng chỉ cần trẻ được phát hiện sớm thì sẽ có ít nguy cơ tử vong hơn.
Hiện nay, nhờ công nghệ siêu âm, dị tật tim bẩm sinh có thể được phát hiện khi thai kỳ ở tuần thứ 18.
- Những nguyên nhân nào gây ra bệnh tim bẩm sinh?
Có rất nhiều nguyên nhân gây dị tật tim bẩm sinh và cũng rất khó để xác định nguyên nhân cụ thể. Một số nguyên nhân chính gây ra bệnh tim bẩm sinh theo các nghiên cứu như:
Do di truyền: Di truyền là một trong những yếu tố gây ra sự hình thành dị tật bẩm sinh ở trẻ, đặc biệt là dị tật tim bẩm sinh. Trẻ có bố hoặc mẹ mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn do yếu tố di truyền.
Mẹ nhiễm bệnh khi đang mang thai: Tim bắt đầu hình thành và phát triển trong giai đoạn 6 tháng đầu của thai kỳ, bất kỳ những bất thường nào xuất hiện trong quá trình này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim bẩm sinh. Thông thường, nguyên nhân là do mẹ mắc các bệnh như Rubella, sởi hoặc cảm cúm trong thai kỳ.
- Các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tim bẩm sinh là gì?
Bệnh tim bẩm sinh bao gồm hai nhóm chính là bệnh tim bẩm sinh tím và bệnh tim bẩm sinh không tím. Từ đó, có thể nhận biết các triệu chứng theo từng nhóm riêng.
Bệnh tim bẩm sinh tím: da xanh xao, môi và đầu ngón chân, ngón tay chuyển màu tím khi trẻ khóc, bú hoặc vận động.
Bệnh tim bẩm sinh không tím: chậm lớn, tăng cân chậm, hay bị sốt hoặc bị viêm phổi tái phát. Trẻ thường xuyên thở khò khè, khó thở, hay mệt mỏi.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp một số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng không có biểu hiện rõ rệt hay triệu chứng gì và chỉ tình cờ được phát hiện khi trẻ đưa đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc đi khám bệnh khác.
- Hiện nay có những phương pháp nào để chữa trị bệnh tim bẩm sinh?
Nếu được phát hiện sớm và can thiệp điều trị đúng cách, trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh vẫn có thể phát triển bình thường. Tùy theo tình trạng của từng bé, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp.
Phẫu thuật tim: Với bệnh tim bẩm sinh tím, các bác sĩ có thể sử dụng kỹ thuật mổ hở để chữa trị. Với phương pháp điều trị này, các bé có cân nặng từ 6 đến 7kg trở lên có thể được phẫu thuật và phục hồi trở lại.
Can thiệp tim mạch: Đối với những bệnh lý về tim bẩm sinh thông thường như thông liên thất, thông liên nhĩ hoặc còn ống động mạch (do những bất thường trong vách hoặc những lỗ thủng nhỏ ở tim) có thể chữa trị bằng phương pháp can thiệp tim mạch.
Đối với phương pháp này, các bác sĩ sẽ luồn những ống nhỏ vào trong mạch máu ở đùi, sau đó luồn lên tim. Những ống nhỏ này sẽ được luồn đến những vị trí tim bất thường nhằm giúp việc lưu thông máu dễ dàng hơn, đồng thời có thể đưa vào đó các thiết bị theo dõi, hỗ trợ đóng các lỗ thông trong tim trong trường hợp cần thiết. Sau đó bệnh nhân sẽ được bác sĩ cho uống thuốc từ 6 tháng đến 1 năm. Khi tim được phục hồi hoàn toàn, bệnh nhân có thể ngừng dùng thuốc.
Theo Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 – 12.000 ca mắc các bệnh tim bẩm sinh ở trẻ, tuy nhiên chỉ 6.000 trẻ được điều trị phẫu thuật, còn lại đang trong giai đoạn chờ hoặc đã tử vong trước khi phát hiện bệnh. Do đó, các bậc phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh từ sớm để tránh gây nguy hiểm cho con mình.
Doctor Network là một nền tảng video mạng xã hội giúp kết nối các bác sĩ và cộng đồng những người quan tâm chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Với mục tiêu nâng cao hiểu biết sức khỏe toàn diện cho tất cả mọi người nhằm góp phần xây dựng cộng đồng khỏe - đẹp – hạnh phúc, Doctor Network cung cấp cho người dùng các nội dung video thông tin y tế, các khóa học, hội thảo, sự kiện về chăm sóc sức khỏe đa dạng, hữu ích, đáng tin cây và được xác thực 100% từ các bác sĩ và chuyên gia y tế uy tín. Đặc biệt, Doctor Network còn là một mạng xã hội dành riêng cho các bác sĩ để giao lưu, trao đổi và chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm chuyên môn.
Nền tảng Doctor Network thuộc sở hữu của công ty Doctor Network US. Tại thị trường Việt Nam, Doctor Network được quản lý, vận hành bởi công ty thành viên Doctor Network Việt Nam. Theo đó, MCV Group đã được chọn lựa trở thành đối tác chiến lược - MCN (Multi-channel network – mạng đa kênh) đầu tiên của Doctor Network ở Việt Nam với vai trò quản lý, phát triển và hỗ trợ các kênh đối tác trên nền tảng.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/lam-the-nao-de-phat-hien-som-benh-tim-bam-sinh-ar763073.html