Làm tốt công tác phòng ngừa, kiểm soát - Bài cuối
Qua công tác đấu tranh các chuyên án 'Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người' (chủ yếu là thận) của Cục Cảnh sát hình sự và Công an các địa phương cho thấy đây là loại tội phạm có tổ chức, không những diễn ra trong nội địa mà còn có tính xuyên quốc gia...
Loại tội phạm này đồng thời liên quan đến các vấn đề về pháp lý, y tế, các vấn đề nhạy cảm ranh giới giữa nhân đạo và vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho xã hội, ANTT đòi hỏi sự vào cuộc của cơ quan chức năng liên quan.
Biến tướng của việc hiến tặng
Theo Đại tá Đoàn Thế Vinh, Trưởng Phòng phòng ngừa tội phạm mua bán người (Phòng 5), Cục Cảnh sát hình sự cho biết, việc hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác được coi là quyền của công dân, trên thực tế có nhiều người đã được cứu sống, được khỏi bệnh và khỏe mạnh khi kịp thời được người khác cho, hiến tặng một phần mô, nội tạng của họ, đây được xem là hành động đẹp, có ý nghĩa nhân văn và đầy tính nhân đạo, thể hiện tình tương thân tương ái trong đời sống cộng đồng.
Tuy nhiên việc này chỉ được cho là hợp pháp, nhân đạo khi tuân thủ theo các nguyên tắc, quy định tại Điều 4 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 là: hoàn toàn tự nguyện từ người hiến và người được ghép; hoàn toàn vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh (cứu sống người bệnh); phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy; tuyệt đối không vì mục đích thương mại, trục lợi. Việc hiến và ghép giữa người cho và người nhận được pháp luật quy định giữ bí mật trừ khi họ tự nguyện cung cấp, chia sẻ thông tin…
Lợi dụng vào nhu cầu của những người bệnh, chủ yếu là những người bị suy thận, từ những năm đầu thập niên trước, tình trạng các đối tượng cấu kết với nhau, lợi dụng các mạng xã hội để tìm kiếm người mua, người bán (núp dưới hình thức cho hiến tặng), thỏa thuận giá và thu tiền của người bệnh với giá cao, hứa hẹn trả cho người bán giá thấp để trục lợi, hợp thức hóa các hồ sơ tài liệu theo quy định bằng việc làm giả các giấy tờ, tài liệu để đưa người mua, người bán vào các bệnh viện phẫu thuật ghép thận trở lên rất phức tạp.
Tuy nhiên ở thời điểm đó Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa có chế tài, quy định để xử lý hình sự hành vi này, sau khi kết thúc chuyên án của Cục Cảnh sát hình sự về “làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi mua bán thận”, và trước tình hình, diễn biến phức tạp của loại tội phạm này; hành vi mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người đã được quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cũng theo Cục Cảnh sát hình sự, thực tế cho thấy nếu chúng ta không làm tốt công tác phòng ngừa, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý thì cũng sẽ dễ giống như tội phạm liên quan “tín dụng đen”, các băng nhóm tội phạm có thể ép, đòi nợ con nợ bằng việc cưỡng ép, lấy thận của họ nếu không có tiền trả chúng; hoặc các hành vi lừa đảo, gây mê để trộm cắp thận cũng có thể xảy ra như đã xảy ra tại nước ngoài.
Những năm gần đây ở nước ta, do người bệnh có nhu cầu cần ghép gan, thận tăng cao nên các vụ việc mua bán tạng đã xảy ra. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng chưa phát hiện, điều tra triệt phá được nhiều nhưng có thể khẳng định đây là loại tội phạm tiềm tàng nguy cơ gia tăng, diễn biến phức tạp, liên quan các loại tội phạm mua bán người; mua bán người dưới 16 tuổi; mang thai hộ vì mục đích thương mại; lừa đảo; bắt giữ người trái pháp luật; cưỡng đoạt; xuất nhập cảnh trái phép...và đặc biệt tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, sức khỏe giống nòi, tính nhân đạo của pháp luật và các quyền của con người…
Tội phạm mua bán mô, bộ phận cơ thể người là loại tội phạm có tổ chức, phải có nhiều đối tượng tham gia với nhiều công đoạn, vai trò nhiệm vụ khác nhau, có sự giúp sức hoặc ít nhất là “làm ngơ” của nhân viên y tế bệnh viện.
Diện người bán gan, thận hầu hết là nam giới có độ tuổi từ 19 đến 30, có sức khỏe, thành phần chủ yếu là: không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, nợ nần tiền bạc và một số nguyên nhân khác nên chấp nhận bán một quả thận trước mời chào, dụ dỗ. Trong các chuyên án do Trần Văn Hiệp và Trương Thị Khuyến cầm đầu và chuyên án do Đường Khắc Nghĩa cầm đầu cho thấy, đối tượng hưởng lợi từ 50-200 triệu/1 ca ghép rồi chúng chia sẻ cho những người cùng môi giới và chi phí ăn ở, đi lại, xét nghiệm ban đầu... Người bán thận được chúng trả số tiền từ 250-300 triệu đồng. Tổng chi phí người mua thận phải trả có thể lên đến cả tỷ đồng. Toàn bộ những người bán đều giấu kín gia đình và người thân. Do tự ti, mặc cảm, lo sợ nên họ cũng không muốn tố giác, cộng tác với cơ quan Công an.
Phương thức, thủ đoạn của đối tượng
Đại tá Đoàn Thế Vinh, Trưởng Phòng 5 cho hay, thủ đoạn đầu tiên là thông qua các mối quan hệ xã hội, hoặc qua mạng xã hội tìm cách tiếp cận với người bệnh để giới thiệu, quảng cáo, hứa hẹn. Hoặc lân la tụ tập tại các bệnh viện có khả năng chữa bệnh thận, xét nghiệm để giới thiệu, khuyếch trương rằng có nhiều mối quan hệ vững chắc, có khả năng giúp các thủ tục về pháp lý, y tế để tiến tới được phẫu thuật ghép thận và ra giá chi phí; với người bán chúng lợi dụng các trang mạng, thậm chí lập riêng một trang với chiêu bài có người nhà bị bệnh cần ghép thận, hoặc đang giúp đỡ những người bệnh và mời chào, dụ dỗ rằng việc cho đi một quả thận không hề ảnh hưởng tới sức khỏe, rằng đây là việc làm “giúp người”, cam kết sẽ bao mọi chi phí đi lại, ăn nghỉ và chi trả một khoản tiền khi cho thận thành công.
Khi có được danh sách những người này, chúng hẹn mời về Hà Nội bố trí cho người đón, đưa về nơi tập kết là những nhà trọ do chúng thuê, sau đó đưa họ vào các bệnh viện để lấy mẫu và thực hiện các xét nghiệm máu, tế bào, bệnh truyền nhiễm và các chỉ số sinh phẩm theo quy trình, công thức y học gọi là chỉ số HLA, PRA.v.v.. khi có được kết quả HLA của người bán và người mua, chúng sẽ so sánh đối chiếu chéo tìm chỉ số phù hợp của người cho (bán) - người mua (ghép) và ghép họ thành một “cặp” để làm hồ sơ phẫu thuật.
Theo quy định của pháp luật thì trước khi phẫu thuật lấy và ghép thận các bệnh viện phải lập Hội đồng xét duyệt bao gồm xét duyệt các chỉ số HLA, PRA...; xét duyệt các quy định của pháp luật thể hiện trong hồ sơ là “nhân đạo”, không có mục đích thương mại. Vì vậy chúng tiến hành làm các giấy tờ giả thể hiện người bán, người mua có quan hệ họ hàng, thân thích, việc cho và ghép thận là hoàn toàn tự nguyện, và đã được những người thân đồng ý, cam kết có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã theo quy định của pháp luật để thỏa mãn yếu tố “nhân đạo”, sau đó đưa các hồ sơ giả này vào các bệnh viện để phẫu thuật lấy và ghép thận giữa các cặp đôi. Quá trình thực hiện hầu hết các đối tượng đều có “quan hệ” với các nhân viên y tế có thẩm quyền để được lên lịch phẫu thuật nhanh, để được bỏ qua các lỗi của hồ sơ khi xét duyệt, đảm bảo tính “nhân đạo”, che giấu các dấu hiệu thương mại...
Tại Việt Nam, các đối tượng thường đưa người bán tạng đến một số bệnh viện xét nghiệm để lấy kết quả HLA gồm Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện 108, 103, Trí Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Thống Nhất, Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh).
Những vấn đề đặt ra với công tác phòng ngừa, đấu tranh
Đại tá Đoàn Thế Vinh lý giải, loại tội phạm này có thể xâm hại đến nhiều nhóm khách thể khác nhau, tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho xã hội, ANTT, hoạt động đúng đắn của ngành Y tế cũng như sức khỏe cộng đồng và các quyền con người. Qua các chuyên án cho thấy giám định những người bán gan, thận đều bị tổn hại sức khỏe từ 45% đến 70% sức khỏe.
Đơn cử, trong vụ án hình sự “Mua bán bộ phận cơ thể người” do Đường Khắc Nghĩa cầm đầu, do làm ăn thua lỗ, không có tiền trả nợ, anh N.T.H, quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội đã bán gan để lấy tiền trả nợ. Tháng 7/2022, anh H đã vào facebook, trang “Hiến gan, thận” thấy có bài đăng nên nhắn tin thỏa thuận giá bán 1 lá gan là hơn 500 triệu đồng. Hồ sơ hiến gan của anh N.T.H do bệnh viện cung cấp, xác định N.T.H đã cắt gan phải. Kết luận giám định pháp y thương tích của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an xác định, anh H đã cắt gan phải (56%) và cắt túi mật (31%). Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định là 70%; cũng có trường hợp đã tử vong do bị biến chứng hoặc sai sót, nhiễm trùng...
Theo Cục Cảnh sát hình sự, hiện nhu cầu cần cấy ghép thận rất lớn, tuy nhiên nguồn cung rất thiếu và chưa có các thủ tục thuận lợi nên đối tượng vẫn triệt để lợi dụng phạm tội. Bên cạnh đó không loại trừ có một số nhân viên y tế, bác sĩ vì vụ lợi mà trực tiếp, gián tiếp tiếp tay cho các đối tượng phạm tội. Người cho và người nhận tạng đều đang lâm vào hoàn cảnh đặc biệt, có tính nhạy cảm cao nên không dễ lấy lời khai và có sự hợp tác của họ để xử lý vụ việc, phần lớn họ đều tránh né; ở góc độ nào đó họ biết việc mình làm là sai trái, tuy nhiên không dễ để xử lý.