Làm tốt hơn nữa công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô
Đó là phát biểu nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tổ chức ngày 28-12 tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Hòa Lạc, Hà Nội). Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên dự và phát biểu tại điểm cầu Trung ương. Điểm cầu của tỉnh có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng và Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng kịch bản tăng trưởng.
Trong năm 2024, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền: 2 luật, 5 nghị quyết của Quốc hội, 9 nghị định của Chính phủ và 8 nghị định đã trình Chính phủ, 14 thông tư, 8 nghị quyết của Chính phủ, 6 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và nhiều văn bản quan trọng khác... Trong đó, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã xác định 5 nhóm chính sách lớn theo tinh thần đột phá, cải cách trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư công, tháo gỡ ngay các vướng mắc, điểm nghẽn.
Tại Hội nghị, lãnh đạo một số bộ, ngành, các tỉnh, thành đã đánh giá toàn diện kết quả phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực thu hút đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu…
Gửi lời cảm ơn cá nhân Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, các đồng chí thứ trưởng và đơn vị chức năng của Bộ đã kiên nhẫn lắng nghe, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thái Nguyên trong năm 2024, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), thu ngân sách vượt xa chỉ tiêu được giao, giải ngân vốn đầu tư công hoàn thành trước thời hạn, các chỉ tiêu an sinh xã hội hoàn thành vượt mức đề ra.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Khoa học công nghệ, chuyển đổi số đã và đang thấm vào từng ngành, lĩnh vực, người dân. Có được điều đó là nhờ chủ trương của Đảng, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đột phá trong tư duy, quyết tâm trong hành động của các đồng chí bộ trưởng và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - nhà kinh tế số tiên phong.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thái Nguyên được hưởng lợi từ xu thế này và chấp hành, thực thi cam kết hoàn thành thắng lợi mọi chỉ tiêu mà Trung ương giao. Thái Nguyên xác định tập trung vào lĩnh vực tự động hóa công nghiệp. Đây không phải là vấn đề mới nhưng tự động hóa hiện nay hội tụ cả phần cứng và phần mềm, sự hội tụ của cơ khí chính xác và trí tuệ nhân tạo là thế mạnh của Thái Nguyên.
Nói về ngành chè, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh lấy ví dụ từ việc Thái Nguyên chế tạo Robot sao chè đã góp phần gia tăng thu nhập cho người nông dân. Hình ảnh các tỷ phú thế giới đến thưởng trà tại Việt Nam khi lan tỏa tạo ra nhiều lợi ích thiết thực. Người Việt biết uống trà rất sớm, nhất thế giới. Năm 2024, Việt Nam dự kiến xuất khẩu trà đạt khoảng 300 triệu USD, Ấn Độ xuất khẩu trà đạt 3 tỷ USD, nhưng Trung Quốc xuất khẩu trà đạt tới 30 tỷ USD. Ngành trà Trung Quốc xuất khẩu ngang bằng ngành bán dẫn của Hàn Quốc.
Lịch sử Việt Nam các thời đại luôn quan tâm đến trà. Thái Nguyên đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT là nhà kinh tế trà để phát triển hệ sinh thái trà Việt Nam. Kinh tế trà và kinh tế bán dẫn là 2 ngành kinh quan trọng, có giá trị kinh tế tương đương nhau. Thái Nguyên cam kết hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ do Trung ương giao trong phát triển kinh tế trà.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tham luận, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, năm 2024, ngành KH&ĐT và thống kê đã thực hiện tốt vai trò của cơ quan tổng hợp tham mưu cấp chiến lược, cơ quan đầu mối, điều phối điều hành kinh tế vĩ mô. Thể chế, cơ chế chính sách về quản lý kinh tế tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung. Công tác quy hoạch được tập trung triển khai, cơ bản đáp ứng tiến độ, chất lượng. Giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt gắn với tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát. Đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Thu hút FDI đạt gần 40 tỷ USD. Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có bước phát triển mạnh mẽ, định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2025, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường; trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Để tăng tốc, bứt phá, về đích, thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025. Thủ tướng yêu cầu, Bộ KH&ĐT tiếp tục làm tốt hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô; tăng cường thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước và các dự án trọng điểm. Đồng thời, Bộ KH&ĐT cần làm tốt nhiệm vụ Thường trực Tiểu ban KT-XH để xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030; xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2026-2030 trình Đại hội XIV của Đảng…