Làm trái quy định về đất đai tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa): Những ai đang thách thức pháp luật?
Trong một thời gian ngắn, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã biến thành 'thủ phủ' phân lô, bán nền. Mục đích chính không gì khác là ăn theo các 'ông lớn' bất động sản đang đổ bộ vào địa phương.
Nhiều khu đất bị chuyển mục đích sử dụng trái quy định tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa)
Xác định việc UBND huyện Cam Lâm tiếp nhận hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, hiến đất làm đường, sau đó cho tách thành nhiều thửa đất để kinh doanh bất động sản là trái quy định của pháp luật đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhưng tỉnh Khánh Hòa chỉ yêu cầu tổ chức kiểm điểm.
Náo loạn ở “thủ phủ” phân lô, bán nền
Chỉ trong một thời gian ngắn, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã biến thành “thủ phủ” phân lô, bán nền. Mục đích chính không gì khác là nhằm ăn theo các “ông lớn” bất động sản đang đổ bộ vào địa phương, đón đầu quy hoạch đang được các cơ quan chức năng lập.
Từ khu đất trồng cây lâu năm (diện tích 5.801,1 m2) ở Tổ dân phố Bãi Giếng, thị trấn Cam Đức, được bà Trần Thị Phương Hà hiến tặng một phần để Nhà nước xây dựng công trình công cộng, hiến đất làm đường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Khánh Hòa đã cập nhật, để khu đất này “lột xác” thành 2 thửa mới (thửa 215 của bà Hà với diện tích 2.357,8 m2 và thửa 216, bà Hà bán cho ông Lương Công Danh với diện tích 2.286,4 m2). Hai thửa này sau đó được “xé” tiếp thành 6 thửa (chuyển từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở đô thị).
Một nguồn tin cho hay, đối với các khu đất mà Báo Đầu tư đã nêu ở trên, các sàn giao dịch bất động sản (gồm New City, Cường Thịnh Land, Hưng Vương Land…) đã tự thực hiện môi giới, quảng cáo, đặt tên cho các khu phân lô nêu trên thành các dự án “khu dân cư”, “khu đô thị” mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư.
Về việc này, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản đối với các sàn giao dịch bất động sản như New City, Cường Thịnh Land, Hưng Vương Land… theo phản ánh của báo chí.
Chưa dừng lại, với sự tiếp sức của Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Cam Lâm, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cam Lâm, 6 thửa đất trên tiếp tục được phân lô thành 55 thửa. Bà Hà và ông Danh sau đó đã chuyển nhượng 55 thửa đất này cho người khác.
Tương tự, từ 4.406 m2 (trong đó 160 m2 đất ở tại nông thôn, 4.246,2 m2 đất trồng cây lâu năm) và 5.375,5 m2 (trong đó, đất ở tại nông thôn 200 m2, đất trồng cây lâu năm 5.175,5 m2) tại thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây, do bà Trần Thị Phương Hà làm chủ, sau một hồi “biến hóa”, đã trở thành hàng chục thửa đất. Tách thửa thành công, bà Hà đã chuyển nhượng 42/67 thửa cho các chủ sử dụng khác, 11/67 thửa còn lại, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cam Lâm đang giải quyết.
Đất đìa nuôi cá tôm cũng được một số cơ quan chức năng của huyện Cam Lâm tiếp tay cho hoạt động phân lô, bán nền. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất CT 816217 và CT 816218 ngày 22/11/2019, do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cam Lâm cấp cho ông Vũ Đình Chinh và ông Lương Công Dân (đồng sở hữu), thì khu đất với diện tích 4.818,1 m2 (thửa đất số 16, thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây) có mục đích sử dụng là đất nuôi trồng thủy sản. Hai ông này còn là đồng sở hữu khu đất ở nông thôn với diện tích 159,5 m2 (tại thửa đất số 137, tờ bản đồ số 12, thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây).
Trong khi đó, từ nguồn gốc là đất nuôi trồng thủy sản tại thửa đất số 322, tờ bản đồ số 12, thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây, bà Đỗ Thị Như Trâm được Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Cam Lâm cho phép chuyển mục đích từ đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở tại nông thôn. Có được tấm sổ đỏ, bà Trâm đã chuyển nhượng thửa đất trên cho ông Vũ Đình Chinh và ông Lương Công Dân.
Toàn bộ các thửa đất trên được người sử dụng đất hợp thửa thành thửa đất 656, tờ bản đồ 12, diện tích 6.977,6 m2 (mục đích sử dụng là đất ở nông thôn). Chỉ cần dành ra 2 thửa đất “xin hiến” làm đường đi, ông Vũ Đình Chinh và ông Lương Công Dân đã tách được 74 thửa đất ở và bán cho người mua.
Những trường hợp trên mới chỉ là phần nổi của vấn nạn phân lô, bán nền tại huyện Cam Lâm.
Làm trái quy định
Đoàn kiểm tra liên ngành UBND tỉnh Khánh Hòa (gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thuế, Sở Xây dựng...) cho biết, qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu do UBND huyện Cam Lâm cung cấp, Đoàn kiểm tra liên ngành nhận thấy hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất do Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND huyện Cam Lâm cho phép chuyển mục đích sử dụng của các khu đất nêu trên chưa đầy đủ thành phần hồ sơ, trong đó thiếu văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm chưa đánh giá đầy đủ các nội dung theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dẫn đến một số khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở đô thị, nông thôn có quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng không thống nhất.
Tại khoản 1, Điều 143 và khoản 1, Điều 144, Luật Đất đai quy định về chế độ sử dụng đất đối với đất ở phải phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị (đối với đất ở tại đô thị), quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (đối với đất ở nông thôn).
Do đó, việc UBND huyện Cam Lâm xem xét, cho phép người sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông thôn sang đất ở đối với các khu vực trên là chưa phù hợp với quy định tại Điều 143, Điều 144, Luật Đất đai.
Đáng chú ý, thửa đất số 322, tờ bản đồ số 12, thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây (diện tích 2.000 m2) đã được UBND huyện Cam Lâm cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại Quyết định số 1359/QĐ-UBND ngày 11/7/2018 cho người sử dụng đất, trên cơ sở căn cứ theo Kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của huyện Cam Lâm (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4077/QĐ-UBND ngày 29/12/2017).
Tại thời điểm này, theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Cam Lâm xác định thửa đất trên thuộc quy hoạch đất nuôi trồng thủy sản, đồng thời, Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Cam Lâm chưa được phê duyệt.
Đoàn kiểm tra nhận thấy mục đích của việc “hiến đất” nhằm phục vụ cho nhu cầu cá nhân để thực hiện phân lô, bán nền, không phải là việc tặng cho quyền sử dụng đất để Nhà nước thực hiện các công trình công cộng vì mục đích chung theo quy định; đồng thời cũng không phù hợp với quy định về trường hợp người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất do không còn nhu cầu sử dụng đất theo quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 65, Luật Đất đai.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc xây dựng đường giao thông tại các khu vực chuyển mục đích, tách thửa nêu trên không phù hợp với các quy hoạch về đường giao thông tại các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Việc hình thành các đường giao thông không theo các đồ án quy hoạch sử dụng đất và xây dựng được duyệt, hệ lụy dẫn đến các chỉ tiêu cơ cấu sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và việc triển khai các đồ án quy hoạch sau này, tiềm ẩn nguy cơ hình thành các điểm dân cư tự phát, không đúng quy hoạch, không đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật và xã hội ở khu vực nói riêng và địa phương nói chung.
Đồng thời, việc các cá nhân tự đầu tư thi công xây dựng đường giao thông, hệ thống thoát nước, dựng các trụ điện trên phần diện tích đã "hiến tặng" cho Nhà nước là không phù hợp với quy định của pháp luật đầu tư.
UBND huyện Cam Lâm chấp thuận cho phép hình thành và đầu tư xây dựng đường giao thông công cộng trên diện tích đất “hiến tặng”, nhưng không hướng dẫn các cá nhân trên thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật đất đai, xây dựng và pháp luật khác có liên quan theo trách nhiệm quản lý nhà nước được quy định.
Chỉ bị yêu cầu kiểm điểm
Xử lý vấn đề trên, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu UBND huyện Cam Lâm tiến hành hủy các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và các văn bản chấp thuận cho phép hiến đất làm đường giao thông đối với hàng loạt trường hợp; đồng thời tiến hành kiểm tra, xử lý về quản lý trật tự xây dựng đối với các khu đất đã xây dựng hạ tầng.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm qua các thời kỳ (theo lĩnh vực được giao phụ trách) trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai, đầu tư xây dựng tại địa phương đối với các vi phạm, tồn tại sau khi kiểm tra.
“Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh tổ chức kiểm tra, xử lý trách nhiệm của cán bộ, viên chức thuộc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cam Lâm đối với các vi phạm, tồn tại nêu trên (nếu có)”, UBND tỉnh Khánh Hòa giao.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao những vụ việc trên có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý đất đai, nhưng chỉ bị tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tổ chức kiểm điểm?