Làm từ thiện phải minh bạch, đúng luật! (*): Chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện
Cần tính đến những giải pháp căn cơ và dài hạn, chuyên nghiệp hóa hoạt động cứu trợ qua việc hình thành các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức từ thiện hoạt động chuyên nghiệp
Những ngày qua, dư luận "ồn ào" xung quanh câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện. Cao điểm của sự hoài nghi chính từ sự chậm trễ trong việc trao tiền quyên góp giúp đồng bào miền Trung của NSƯT Hoài Linh và sự tùy tiện trong cách gửi tiền cho người trao hộ của diễn viên Trấn Thành.
Đến lúc thay đổi cách làm
Với 2 sự việc trên, có người lên án cũng có người thông cảm nhưng đều phản ánh một góc nhìn thiết thực hiện nay về văn hóa làm từ thiện. Nghệ sĩ vốn làm theo cảm tính, đơn giản trong cách nghĩ, thậm chí tùy tiện. Chính vì không chuyên nghiệp, không theo quy trình, thiếu một đội ngũ tư vấn, giám sát chặt chẽ khiến họ gặp rắc rối khi dư luận hoài nghi tính minh bạch trong công tác từ thiện của nghệ sĩ. Chưa bao giờ "Văn hóa từ thiện" lại được nhắc nhiều trên các mặt báo và mạng xã hội như hiện nay, nhất là các hoạt động từ thiện của nghệ sĩ - những người có sức lan tỏa và lượng người hâm mộ nhiều. Sự lên án gay gắt của cộng đồng mạng đối với Hoài Linh, Trấn Thành khiến một vài nghệ sĩ e ngại, thậm chí có người tuyên bố không tham gia vận động từ thiện nữa vì "làm ơn mắc oán".
Trên thực tế, hoạt động từ thiện tự thân của nghệ sĩ đã là một hành động cao đẹp, ý nghĩa, từ lâu được công chúng ngưỡng mộ qua cách làm của nhiều nghệ sĩ tiền bối như: NSND Kim Cương, NSND Lệ Thủy... Hay như hiện nay, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đang vận động đợt trao tặng quà, vật dụng y tế cho 2 tâm dịch Bắc Giang và Bắc Ninh mà sáng 29-5, đoàn từ thiện đã khởi hành, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc nghệ sĩ tham gia các hoạt động thiện nguyện cũng đã dẫn đến nhiều bất cập. "Họ được công chúng yêu mến, có sức hút mãnh liệt, nên dễ dàng huy động hàng chục tỉ đồng. Có điều, cách ứng xử với việc từ thiện lại nghiệp dư, chưa kể nghệ sĩ ngại đụng nhau trên phương diện "lăng-xê", nên né tránh, sợ bị cho là ăn theo trong cách PR mình, dẫn đến việc chậm trễ hoặc chưa rõ ràng trong công bố" - tiến sĩ Lê Hồng Phước (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) chia sẻ.
Theo tiến sĩ Lê Hồng Phước, trước hết phải ghi nhận sự chân thành của người nghệ sĩ khi tham gia hoạt động thiện nguyện. Nhưng để không gây hiểu lầm, điều tiên quyết chính là tính minh bạch. Đã đến lúc tính đến những giải pháp căn cơ và dài hạn, chuyên nghiệp hóa hoạt động cứu trợ qua việc hình thành các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức từ thiện hoạt động chuyên nghiệp và thường xuyên.
Vai trò của cơ quan quản lý
Theo các nghệ sĩ tâm huyết với công tác từ thiện, để bảo vệ cho người đóng góp lẫn người nhận đóng góp từ thiện, nghệ sĩ làm từ thiện nên gắn với một tổ chức từ thiện chuyên nghiệp có chức năng pháp lý hoặc do mình lập ra. Tuy nhiên, hiện 2 nghị định liên quan vấn đề làm từ thiện (Nghị định 64/2008/NĐ-CP và Nghị định 93/2019/NĐ-CP) lại đang gây khó cho nhiều cá nhân, tập thể, cộng đồng đầy thiện ý; cũng không thiết kế để khuyến khích các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp. Vì thế, rất cần có quy định xây dựng các thiết chế bảo vệ lợi ích của người đóng góp, yêu cầu trách nhiệm minh bạch và báo cáo hoạt động của quỹ từ thiện; đồng thời cũng tránh được rủi ro ảnh hưởng đến uy tín nghệ sĩ làm từ thiện.
"Uy tín là yếu tố trên hết, đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi cách làm từ thiện của nghệ sĩ. Tôi có một nhóm bạn hữu chuyên nghiệp làm từ thiện và không gặp rắc rối vì mỗi người chịu trách nhiệm một phần. Trước và sau mỗi chuyến đi đều công bố số thu - chi, mua và trao những gì, cụ thể từng chi tiết. Đến địa phương nào thì trao và thông qua danh sách địa phương cung cấp, những món quà thiết yếu được gửi đến tận tay người dân. Để tránh sự "trà trộn", gian dối trong danh sách người được trao, chúng tôi kiểm tra theo từng hộ dân đến nhận. Càng làm kỹ, không phô trương thì hiệu quả đạt được càng cao" - NSND Lệ Thủy chia sẻ.
Qua nhiều lần tham gia hoạt động từ thiện, nghệ sĩ Tú Trinh cho rằng vấn đề pháp lý chính là các thiết chế bảo vệ uy tín của nghệ sĩ. Cộng đồng luôn đặt niềm tin nơi nghệ sĩ nên rất cần sự minh bạch và trên hết là sự tiếp ứng của các cơ quan quản lý.
Theo hầu hết nghệ sĩ, chỗ dựa lớn nhất của họ trong công tác từ thiện phải là Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật và các hội chuyên ngành để tư vấn, đồng hành cùng nghệ sĩ làm tốt hoạt động từ thiện.
Gắn kết với địa phương
NSND Minh Vương kể năm 2007, ông và NSND Lệ Thủy tổ chức chương trình Sân khấu Vàng xây dựng nhà tình thương trao tặng đồng bào nghèo. "Chúng tôi đã nhờ chính quyền địa phương, nhất là qua Liên đoàn Lao động, Hội Phụ nữ các tỉnh, Đoàn Thanh niên... giới thiệu những hộ cần sửa chữa nhà hoặc xây mới. Sau đó, chúng tôi khảo sát rồi lên kế hoạch tổ chức diễn các vở ăn khách để xây dựng hơn 30 căn nhà tình thương. Minh bạch và gắn kết với các cơ quan chức năng địa phương là biện pháp hữu hiệu nhất trong công tác nghệ sĩ làm từ thiện hiện nay" - NSND Minh Vương đúc kết.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-5