Lần đầu khảo sát khoa học trên đỉnh núi Cho Oyu cao thứ 6 thế giới

Ngày 2/10, đội khảo sát khoa học của Trung Quốc thông báo đã lần đầu tiên tiếp cận được đỉnh núi Cho Oyu cao thứ 6 thế giới và thu thập được những mẫu vật quý giá để nghiên cứu sâu hơn về tác động của biến đổi khí hậu tại vùng núi cao này.

Đội nghiên cứu gồm 18 thành viên đã lên đến đỉnh núi Cho Oyo vào ngày 1/10 nhằm triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học như thiết lập các trạm thời tiết tự động, đo độ dày băng, tuyết trên các đỉnh núi, khoan lõi băng, thu thập mẫu băng tuyết. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Trung Quốc tiến hành khảo sát tại đỉnh núi cao hơn 8.000 m so với mực nước biển.

Các hoạt động nghiên cứu sẽ tập trung vào các vấn đề gồm sự thay đổi của các nguồn nước, hệ sinh thái và chu trình carbon, hoạt động của con người và an toàn môi trường sống, tài nguyên khoáng sản và địa chất, tiến hành điều tra và nghiên cứu về môi trường, tìm hiểu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan đối với môi trường sinh thái của cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng.

Cho Oyu là ngọn núi cao thứ 6 trên thế giới với độ cao 8.188 m trên mực nước biển, nằm trên biên giới Trung Quốc-Nepal. Đỉnh núi Cho Oyo đặc biệt rộng và bằng giống như một sân bóng, một đặc điểm hiếm thấy trong số những đỉnh núi cao nhất trên thế giới. Theo một chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, Cho Oyu là ngọn núi có băng tuyết dày nhất trong số các đỉnh núi cao trên 8.000 m so với mực nước biển, có tiềm năng nghiên cứu lớn về cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái băng, đồng thời cũng là khu vực lý tưởng để điều tra sự thích ứng sức khỏe con người ở độ cao lớn. Từ cuối tháng 9, khoảng 120 chuyên gia đã tiến hành khảo sát hệ sinh thái, nguồn nước và hoạt động của con người xung quanh ngọn núi này.

Quang Hưng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/lan-dau-khao-sat-khoa-hoc-tren-dinh-nui-cho-oyu-cao-thu-6-the-gioi-20231002192039733.htm