Lần đầu tiên bố trí khung đặt tượng ông Táo trên các tuyến đường ở Huế
Lần đầu tiên một phường tại TP Huế bố trí các khung để đặt ông Táo trên các tuyến đường sau khi cúng, góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn.
Phong tục cúng ông Công ông Táo là một truyền thống từ lâu đời của nhân dân ta. Mỗi năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp thì người dân đều tổ chức làm lễ cúng và tại Huế - vùng đất tâm linh với truyền thống bề dày lịch sử cũng xem đây là một ngày lễ lớn trong năm.
Bắt đầu từ rạng sáng cho đến 12h trưa ngày 23 tháng Chạp, các gia đình ở Huế thường làm một mâm cỗ để đưa ông Công ông Táo về chầu trời. Sau lễ cúng, theo phong tục, những bức tượng ông Táo thường được đưa ra các vị trí thông thoáng như ngã ba, ngã tư, hay các gốc cây cổ thụ với quan niệm tiễn ông Táo về trời. Tuy nhiên việc đơn giản hóa nghi thức, bảo vệ môi trường sẽ góp phần nâng cao ý nghĩa của ngày này.
Nhằm góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra những khung hình đặt tượng cúng ông Táo đẹp mắt, sạch sẽ, năm nay là lần đầu UBND phường Kim Long (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) tiến hành làm các khung để đặt tượng ông Táo trên các tuyến đường, cụ thể: số 39 đường Lý Nam Đế; Ngã ba đường Nguyễn Phúc Tần và đường Vạn Xuân; Ngã ba đường Vạn Xuân và đường Phạm Thị Liên; Ngã ba đường Kim Long và đường Vạn Xuân; Ngã ba đường Nguyễn Phúc Nguyên và đường Nguyễn Hoàng.
Bà Trần Thị Hoa (64 tuổi, trú tại phường Thuận Hòa, TP Huế) cho hay: “Tôi ở phường khác nhưng khi biết thông tin phường Kim Long bố trí khung đặt ông Táo thì qua đây xem thế nào. Tôi thấy việc bố trí các khung của phường như vậy rất hợp lý. Đặt khung tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn phường để bà con có thể đặt ông Táo tại đó, việc làm này vừa có ý nghĩa bảo vệ môi trường, vừa giúp cho cảnh quan đường xá trở nên đẹp và sạch hơn. Tôi rất ủng hộ ý tưởng này”.
Còn ông Phan Văn Chương (58 tuổi, trú tại phường Kim Long) cho hay: “Việc bố trí ở ngã ba như vậy rất phù hợp với văn hóa truyền thống. Vì phong tục từ xưa đến nay, thông thường sau khi cúng, chúng tôi để tượng ông Táo tại các ngã ba, gốc cây đa lớn hoặc các miếu thờ. Năm nay UBND phường lại bố trí các khung như vậy khiến nhiều người đồng tình vì nó góp phần bảo vệ được môi trường, gìn giữ được cảnh quan và hiện tại bản thân tôi thấy ý tưởng này rất hay. Tôi nghĩ rằng đây là một mô hình tốt, cần nhân rộng”.
Trao đổi về việc bố trí các khung để đặt tượng ông Táo trên các tuyến đường, ông Mai Khắc Phục – Chủ tịch UBND phường Kim Long cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng ý tưởng này từ lâu và năm nay là năm đầu tiên áp dụng. Việc đặt các khung tượng ông Táo tại một số tuyến đường chính sẽ giúp bà con tập trung cúng và đặt tượng tại đây, từ đó UBND sẽ dễ dàng xử lý, thu gom rác dễ dàng hơn, tránh được tình trạng cảnh quan môi trường nhếch nhác, ô nhiễm môi trường.
Hiện nay phường đã bố trí khung đặt tượng ông Táo tại 6 địa điểm chính trọng điểm về đô thị và môi trường. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai mô hình này ra trên địa bàn, mỗi tổ dân phố có thể bố trí từ 1 đến 2 khung để phục vụ bà con, giúp cho việc xử lý rác sẽ thuận tiện hơn” – ông Phục cho biết thêm.