Lần đầu tiên đối thoại giữa thanh niên và lãnh đạo về chủ đề phòng, chống mua bán người
Ngày 2/8, hơn 200 sinh viên từ các trường đại học và cao đẳng tại Hà Nội và những gương mặt trẻ tài năng từ Cuộc thi sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức cùng tham gia đối thoại.
Cuộc đối thoại có chủ đề “Đối thoại cùng lãnh đạo: Phụ nữ và Thanh thiếu niên tích cực dẫn đầu công tác truyền thông phòng, chống mua bán người” nhằm mục đích cùng trao đổi với lãnh đạo từ các cơ quan Chính phủ, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp nhằm kêu gọi phối hợp hành động toàn diện để trao quyền cho thanh thiếu niên đóng góp vào công cuộc phòng, chống mua bán người.
Đây là lần đầu tiên đối thoại giữa thanh niên và lãnh đạo về chủ đề phòng, chống mua bán người được tổ chức bởi Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) trong khuôn khổ hợp tác với Chính phủ Vương quốc Anh.
Bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn IOM Việt Nam nhấn mạnh thế hệ thanh niên ngày nay phải đối mặt với thực tế có nhiều lợi hại đan xen trong cuộc chiến chống mua bán người. Với gần 2.4 tỷ thanh niên toàn cầu, đây là thế hệ lớn nhất trong lịch sử. Trong số 281 triệu người di cư quốc tế, khoảng 11,3% là người dưới 24 tuổi. Trong khi đó, tại Việt Nam, có hơn 22 triệu người trẻ trong độ tuổi từ 16 đến 30 và nhiều bạn trẻ đã và đang cân nhắc việc rời khỏi quê hương để có cơ hội làm việc và học tập tốt hơn.
Những kẻ mua bán người có xu hướng lợi dụng các nền tảng trực tuyến để “giăng bẫy” lao động trẻ, những người hoạt động sôi nổi trên không gian mạng. Tuy nhiên, chính những người trẻ cũng nắm giữ sức mạnh để kiến tạo thay đổi. Với sự năng động, sáng tạo và nhanh nhạy với công nghệ, các bạn trẻ có khả năng phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm chống lại nạn mua bán người trong thời đại kỹ thuật số. Do đó, việc đầu tư vào thế hệ trẻ sẽ khuyến khích các bạn hành động để bảo vệ bạn bè đồng trang lứa và phát huy triệt để tiềm năng để xây dựng một thế giới an toàn và kiên cường hơn.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, khẳng định: “Trong nỗ lực hợp tác chặt chẽ để giải quyết hiệu quả những thách thức do mua bán người gây ra, chúng ta cần tạo điều kiện để thanh thiếu niên trực tiếp tham gia xây dựng thông điệp vận động cho các chiến dịch phòng, chống mua bán người. Chúng ta cần hành động ngay bây giờ để tạo ra một môi trường cởi mở hơn nữa cho các hoạt động truyền thông, vận động do thanh thiếu niên dẫn đầu nhằm thúc đẩy thay đổi hành vi, đồng thời hỗ trợ người trẻ phát huy hết tiềm năng của mình”.
Bên lề sự kiện đối thoại là không gian trưng bày và tương tác trải nghiệm “Thủ lĩnh tiên phong hội tụ: Cùng hành động để chấm dứt nạn mua bán người” mở cửa tự do cho thanh thiếu niên, gia đình và trẻ em, khuyến khích người tham gia chủ động nâng cao nhận thức về các dấu hiệu của mua bán người và trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để đưa ra quyết định sáng suốt, đẩy lùi nguy cơ bị mua bán.