Lần đầu tiên ghép tim cho bệnh nhân đã cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái
Nữ bệnh nhân 39 tuổi ở Thanh Hóa bị suy tim giai đoạn cuối, cách đây 5 năm đã cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái, vừa được các bác sĩ Bệnh viện TW Quân đội 108 ghép tim thành công.
Ngày 19/5, chia sẻ về trường hợp này, Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện TW Quân đội 108 cho biết, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam ghép tim cho một bệnh nhân đã cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái.
Trong các ca ghép được tiến hành, ghép tim cho bệnh nhân đã cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái được đánh giá phức tạp nhất. “Bệnh nhân ghép tim đã từng được cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái LVAD cách đây 5 năm, nguy cơ của phẫu thuật là rất cao. Đây là “bài toán” khó mà các bác sĩ "cần phải giải được để mang lại hạnh phúc cho người bệnh", GS.TS Lê Hữu Song nói.
Nữ bệnh nhân 39 tuổi (Thanh Hóa) được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối, phân suất tống máu giảm do bệnh cơ tim giãn. 5 năm trước bệnh nhân được cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái để chờ cơ hội được ghép tim. Bệnh nhân sống hoàn toàn lệ thuộc vào máy, nếu hệ thống ngừng hoạt động, bệnh nhân sẽ tử vong.
Ca ghép tim này là một trong 4 ca ghép tạng được thực hiện vào ngày 14/5 tại Bệnh viện TW Quân đội 108. Bệnh viện tổ chức lấy ghép và điều phối ghép 4 mô tạng (tim, gan, 2 thận) để cứu sống 4 người bệnh.
Tính từ đầu năm 2024, đây là trường hợp thứ 2 bệnh viện hỗ trợ, tư vấn vận động hiến đa mô tạng, cứu sống rất nhiều người đang giành giật sự sống với bệnh tật hiểm nghèo.
Một tuần sau ghép, sức khỏe của các bệnh nhân phục hồi tốt. Bệnh nhân ghép tim tiếp xúc tốt, đã rút nội khí quản, tự thở. Các bệnh nhân ghép gan, ghép thận hồi phục tốt, chức năng gan, thận đang cải thiện.
Suy tim giai đoạn cuối là hậu quả cuối cùng của tất cả các bệnh lý tim mạch, 50% người bệnh sẽ tử vong sau 5 năm và phương pháp điều trị tối ưu nhất là ghép tim. Tuy nhiên, thế giới cũng như Việt Nam, tim ghép vẫn luôn là bài toán khó do số lượng người hiến tim vô cùng ít, rất nhiều người bệnh suy tim đã không có cơ hội chờ đợi may mắn đến với mình.