Lần đầu tiên tổ chức Hội chợ Sâm Lai Châu
UBND tỉnh Lai Châu lần đầu tiên tổ chức Hội chợ Sâm với sự tham gia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương.
Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022 với chủ đề: “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”. “Lai Châu - mảnh đất ven trời Tây Bắc với 20 dân tộc anh em sinh sống ẩn mình trong đại ngàn núi rừng, bên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, được thiên nhiên ban tặng những món quà vô giá như: khí hậu trong lành, mát mẻ; cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ; dồi dào nguồn tài nguyên dược liệu có giá trị và quý hiếm, đặc biệt là Sâm Lai Châu...”, ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.
Cũng theo ông Dũng, nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra Sâm Lai Châu - loài cây đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới, loài đặc hữu của tỉnh Lai Châu. Sâm Lai Châu phân bố ở độ cao 1.400 - 2.200 m so với mặt nước biển; có hàm lượng saponin tổng hợp rất cao, lên tới 21,34%.
Đặc biệt, Sâm Lai Châu có Majonosid- R2(MR2) là hoạt chất có khả năng kháng virus gây ung thư, chiếm hàm lượng cao tới 7,78%; hợp chất silphioside E là hợp chất lần đầu tiên công bố phân lập từ các loài thuộc chi Panax. Đây là hợp chất có tác dụng chống đông máu. Sâm Lai Châu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.
Bộ NN&PTNT đang trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045, trong đó Sâm Lai Châu là một trong 3 loài được chọn. Hội chợ Sâm lần này nhằm hiện thực hóa việc phát triển vùng nguyên liệu sâm khoảng 3.000 ha gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ Sâm Lai Châu.
Dự và phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Lai Châu và các bộ, ngành, cơ quan; hoan nghênh sáng kiến tổ chức Hội chợ Sâm quy mô, bài bản.
Chủ tịch nước khẳng định, Lai Châu có vai trò vị trí chiến lược quan trọng trong quốc phòng an ninh, vị trí xung yếu phòng hộ đầu nguồn sông Đà; có khí hậu ôn hòa, độ che phủ rừng đã tạo nên thảm thực vật có thể trồng nhiều cây dược liệu có dược tính cao trong đó có cây sâm. Đây là cơ hội quý cho Lai Châu phát triển.
Chủ tịch nước tin tưởng, Lai Châu hoàn toàn có thể hình thành vùng sản xuất, chế biến và khả thi với mức tăng trưởng cao. Mong muốn Sâm Lai Châu không chỉ xứng danh tên gọi “quốc bảo” của Việt Nam mà còn là “quốc kế dân sinh” mang lại thu nhập cao cho toàn thể nhân dân.
Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần sự hỗ trợ tổng thể, mạnh mẽ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các bộ liên quan quan tâm hơn nữa về cơ chế chính sách, tuyên truyền, phổ biến ưu điểm vượt trội, nâng tầm giá trị cây sâm Việt Nam nói chung, Sâm Lai Châu nói riêng trong bảo vệ sức khỏe con người. Chú trọng phát triển bền vững, bài bản, lưu ý chất lượng sản phẩm, chỉ dẫn địa lý thông qua công tác chế biến; quyết liệt chống hàng giả…
Cũng tại Lễ khai mạc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ ngành liên quan đã trao Bằng bảo hộ giống cây trồng Sâm Lai Châu; Quyết định chấp nhận hợp lệ nhãn hiệu chứng nhận Sâm Lai Châu cho tỉnh Lai Châu và trao tặng giống Sâm Lai Châu cho 16 hộ dân tỉnh Lai Châu.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lan-dau-tien-to-chuc-hoi-cho-sam-lai-chau-5701865.html