Lần đầu tiên triển lãm mỹ thuật Đông Dương tại Đà Nẵng

Các tác phẩm mỹ thuật Đông Dương lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng Đà Nẵng trong triển lãm 'Trong ngọc trắng ngà' do Phù Sa Foundation tổ chức.

Hơn 50 chuyên gia từ 10 tổ chức khác nhau đã hợp tác chặt chẽ trong 3 tháng để chuẩn bị cho triển lãm này

Hơn 50 chuyên gia từ 10 tổ chức khác nhau đã hợp tác chặt chẽ trong 3 tháng để chuẩn bị cho triển lãm này

Tại tầng 4 Nhà hàng Madame Lân, số 4 Bạch Đằng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đang giới thiệu 35 tác phẩm của 14 danh họa đại diện cho thầy trò trường Mỹ thuật Đông Dương.

Theo ông Ace Lê, giám tuyển triển lãm và Giám đốc sáng lập Lân Tinh Foundation, chủ đề của triển lãm lấy cảm hứng từ một tứ thơ kinh điển trong Truyện Kiều: "Buồng the phải buổi thong dong/Thang lan rũ bức trướng hồng tẩm hoa/ Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên".

Triển lãm như một thước phim đưa người xem đi qua từng giai đoạn lịch sử, từ những sáng tác của giảng viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, những người đã đào tạo nên một thế hệ tài năng cho hội họa Việt Nam, đến tuyệt tác của các danh họa từ mái trường này như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn…

Triển lãm lần đầu ra mắt công chúng hai tác phẩm tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Tường Lân, mang tên Thiếu nữ mặc yếmQuang cảnh bên sông, thu hút sự chú ý đặc biệt trong giới chuyên gia.

"Quang cảnh bên sông" của Nguyễn Tường Lân

"Quang cảnh bên sông" của Nguyễn Tường Lân

Mạch triển lãm xoay quanh hai tuyến nội dung song song, đó là hình tượng người phụ nữ Việt Nam và cảnh sắc Việt Nam, dưới lăng kính hội họa giao thoa Á - Âu.

Không gian mỹ thuật của triển lãm được bố trí, sắp xếp thành 5 cụm chính, trong đó 4 cụm giới thiệu tác phẩm của các nhóm giảng viên - sinh viên theo những bộ môn chính: dessin (Nguyễn Nam Sơn, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị), sơn dầu (Josept Inguimberty, Trịnh Hữu Ngọc), sơn mài (Alix Aymé, Phạm Hầu) và nhóm đa phương tiện gồm gỗ, lụa và sơn dầu (Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Tôn Thất Đào, Hoàng Tích Chu).

Cụm thứ 5 là ốc đảo ở giữa phòng, giới thiệu nhóm họa sĩ di cư sang Pháp nhưng vẫn thực hành từ xa với lụa, sơn dầu và điêu khắc (Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Jean Volang)...

"Trong 20 năm hoạt động, mặc dù sử dụng giáo trình hội họa châu Âu, tập thể thầy và trò Trường Mỹ thuật Đông Dương đã cùng mày mò, khám phá những góc nhìn mới bằng việc bản địa hóa chủ đề sáng tác - dù là chân dung hay phong cảnh - và đưa chúng vào những chất liệu truyền thống mang đậm hồn cốt Việt.

Sự hội ngộ ấy đã kết tinh nên những viên ngọc văn hóa độc đáo trong dòng chảy mỹ thuật Đông Dương, cũng là điểm khởi nguồn cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam", giám tuyển Ace Lê nói.

Lần đầu tiên mỹ thuật Đông Dương được giới thiệu tới công chúng Đà Nẵng

Lần đầu tiên mỹ thuật Đông Dương được giới thiệu tới công chúng Đà Nẵng

Trước nay, hầu hết sự kiện lớn của mỹ thuật Đông Dương lớn đều diễn ra tại 2 đầu cầu đất nước Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Vì thế, "Trong ngọc trắng ngà" là một sự kiện văn hóa nghệ thuật đặc biệt, đem đến làn gió mới cho cộng đồng yêu nghệ thuật tại Đà Nẵng.

Tất cả các tác phẩm đều thuộc về Phù Sa Art Foundation, một tổ chức nghệ thuật hướng về cộng đồng. Bà Nam Phương, nhà sáng lập Phù Sa Art Foundation chia sẻ: "Tôi rất vui khi thấy nhiều bạn trẻ và các em nhỏ đã tới trải nghiệm triển lãm, thậm chí quay lại nhiều lần để chiêm ngưỡng và dành thời gian trước các tác phẩm. Tôi hy vọng triển lãm sẽ giúp khán giả có cái nhìn rõ nét hơn về cuộc sống và sự nghiệp sáng tác của các danh họa Việt Nam".

Theo bà Nam Phương, đây là động lực để Phù Sa Art Foundation tiếp tục đưa nghệ thuật đến với công chúng, góp phần giúp thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm trân trọng những nghiên cứu và đóng góp của các họa sĩ trong dòng chảy của nền mỹ thuật nước nhà.

Triển lãm kéo dài đến ngày 7.1.2024. Dưới đây là một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm:

"Tắm tiên", màu nước, bột màu trên lụa của Lê Phổ, vẽ năm 1930

"Tắm tiên", màu nước, bột màu trên lụa của Lê Phổ, vẽ năm 1930

"Gội đầu" của Trần Văn Cẩn, sáng tác năm 1940, đoạt giải Nhất tại triển lãm của Nghệ thuật Annam (Farta) ba năm sau đó. Tác phẩm từng được đưa vào bộ tem "Hội họa Việt Nam" năm 1995

"Gội đầu" của Trần Văn Cẩn, sáng tác năm 1940, đoạt giải Nhất tại triển lãm của Nghệ thuật Annam (Farta) ba năm sau đó. Tác phẩm từng được đưa vào bộ tem "Hội họa Việt Nam" năm 1995

"Thiếu nữ trên tràng kỷ", sơn dầu trên toan của Jean Volang, ra đời khoảng thập niên 1940 - 1950

"Giao ước vòng ngọc", sơn dầu trên toan, là một trong những tác phẩm nổi bật của Vũ Cao Đàm, hoàn thành năm 1066

"Phong cảnh trung du Bắc kỳ", sơn mài của Phạm Hậu, vẽ vào thập niên 1940, từng là một phần của bộ cánh tủ mỹ nghệ

"Phong cảnh trung du Bắc kỳ", sơn mài của Phạm Hậu, vẽ vào thập niên 1940, từng là một phần của bộ cánh tủ mỹ nghệ

"Bản giao hưởng trắng", sơn dầu trên toan Hoàng Tích Chù, vẽ năm 1975

"Bản giao hưởng trắng", sơn dầu trên toan Hoàng Tích Chù, vẽ năm 1975

Hà Hương; Ảnh: BTC

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/lan-dau-tien-trien-lam-my-thuat-dong-duong-tai-da-nang-i355910/