Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một thủ đô bên bờ vực cạn kiệt nước

Khi mặt trời mọc trên những ngọn núi khô cằn tại Kabul, gia đình của Raheela (42 tuổi) lại bắt đầu công cuộc lấy nước hàng ngày vô cùng cực khổ.

Tiếng xe bồn ầm ầm chạy qua thúc giục người mẹ 4 con vội vã chạy ra đường để lấy đầy xô lẫn can nước cũ cho gia đình. Bà cho biết nguồn cung nước rất ít, mỗi lít nước đều đắt đỏ nên họ cảm thấy rất căng thẳng, kinh tế gia đình thì ngày càng kiệt quệ.

“Chúng tôi hoàn toàn không có nước uống. Thiếu nước là vấn đề lớn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày”, Raheela chia sẻ.

Kabul - thủ đô của Afghanistan - đang tiến gần đến thảm họa. Tổ chức phi chính phủ Mercy Corps cảnh báo thành phố này có thể sớm trở thành thủ đô hiện đại đầu tiên trên thế giới cạn kiệt nước hoàn toàn. Khủng hoảng nhiều khả năng dẫn đến sụp đổ kinh tế.

Theo giới chuyên gia, gia tăng dân số, biến đổi khí hậu cùng tình trạng khai thác quá mức không ngừng khiến nước ngầm tại Kabul cạn kiệt. Gần một nửa số giếng khoan trên địa bàn chẳng còn gì nữa.

Không chỉ trả tiền cho từng giọt nước, gia đình Raheela còn phải sử dụng chúng rất cẩn trọng. Họ hy sinh thức ăn cùng nhiều nhu yếu phẩm khác cho nhu cầu tắm rửa, uống nước. Bà cho biết: “Chúng tôi vô cùng lo lắng. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm mưa. Nhưng nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn thì tôi chẳng biết xoay sở thế nào nữa”.

Theo thành viên Mercy Corps, Marianna Von Zahn: “Đây là tình huống khẩn cấp không chỉ về vấn đề nước, mà còn là khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nhân đạo”.

Người dân Kabul đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng - Ảnh: UN-Habitat Afghanistan

Người dân Kabul đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng - Ảnh: UN-Habitat Afghanistan

Cạn nước

3 thập kỷ trước dân số Kabul chưa đến 2 triệu người. Nhưng việc Taliban bị lật đổ năm 2001 dẫn đến làn sóng di cư ồ ạt, nhiều người bị thu hút bởi bởi lời hứa tình hình an ninh và kinh tế sẽ tốt đẹp hơn. Dân số tăng kéo nhu cầu nước tăng theo.

Kabul gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngầm được bổ sung từ tuyết cùng băng tan ở dãy núi Hindu Kush gần đó. Tuy nhiên nhiều năm quản lý yếu kém và khai thác quá mức khiến mực nước ngầm qua 1 thập kỷ giảm đến 30 mét. Mercy Corps xác định lượng nước mà thành phố khai thác mỗi năm nhiều hơn khả năng bổ sung của tự nhiên đến hơn 44 triệu mét khối. Vì vậy nguồn dự trữ cạn dần, người dân phải bỏ tiền mua nước nơi khác.

Vài gia đình như gia đình của Ahmad Yasin (28 tuổi) cố tìm nước bằng cách đào giếng sâu hơn. Nhiều tháng qua, anh cùng người thân dành hàng giờ mỗi ngày xếp hàng trước một đền thờ Hồi giáo nơi có giếng lớn để mang những xô nước đầy về nhà cho con cái, cha mẹ, cháu trai lẫn cháu gái.

“Chờ lấy nước cản trở chúng tôi làm việc và ảnh hưởng đến thu nhập”, Yasin chia sẻ. Cuối cùng gia đình quyết định dàm dụm 6 tháng, dùng 40.000 Afghani (550 USD) đào giếng sâu sau nhà.

Giếng sâu đến 120 mét. Nguồn nước này có thể sử dụng miễn phí cho hầu hết nhu cầu thiết yếu trừ uống. Vì đã tiêu hết tiền đào giếng nên gia đình Yasin không đủ khả năng mua máy lọc nước hay nước tinh khiết. Họ đành đun sôi nước giếng trong thời gian dài, để nguội rồi mới uống

Theo Mercy Corps, có tới 80% nước ngầm tại Kabul bị ô nhiễm – hậu quả của tình trạng sử dụng nhà vệ sinh hố xí tràn lan cộng thêm chất thải công nghiệp.

Công chức Sayed Hamed sống ở huyện Taimani cho biết người dân thường xuyên bị nôn mửa hoặc tiêu chảy. Khủng hoảng càng thêm trầm trọng do Kabul dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.

Nhà nghiên cứu Najibullah Sadid (Mạng lưới Chuyên gia Nước và Môi trường Afghanistan) cho biết: “Mưa ngày càng nhiều, nhưng tuyết ngày càng ít. Điều này ảnh hưởng đến một thành phố vốn có ít cơ sở hạ tầng để kiểm soát lũ quét. Tuyết từng giúp ích cho chúng ta”.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) dự đoán nếu tình hình không cải thiện, Kabul sẽ cạn kiệt nước ngầm vào năm 2030.

Xe bồn thành cứu tinh

Những người không đủ tiền đào giếng sâu phải trông chờ vào công ty tư nhân. Rustam Khan Taraki chi đến 30% thu nhập mua nước từ xe bồn có giấy phép.

Nhiều trường hợp khác không đủ khả năng chi trả nên đi bộ đường dài đến các đền thờ Hồi giáo. Đây chính là tình cảnh của gia đình Hamed. Ông cùng 2 con (9 tuổi và 13 tuổi) phải xếp hàng chờ lấy nước, đôi lúc 2 đứa trẻ trốn học để vác những chiếc xô nặng lên dốc dưới cái nắng như thiêu đốt.

Bà Von Zahn lưu ý: “Thời gian mà trẻ em đáng ra phải ở trường lại dành cho việc lấy nước. Chiến lược đối phó tai hại này càng làm sâu sắc thêm vòng luẩn quẩn của nghèo đói lẫn tình trạng dễ bị tổn thương đối với phụ nữ và trẻ em”.

Trong khủng hoảng, phụ nữ Afghanistan đi bộ hàng giờ qua Kabul chỉ vì chút nước ít ỏi. Chính quyền Taliban hiện tại cấm phụ nữ ra đường nếu không có người đàn ông trong gia đình đi cùng.

Tương lai u ám

Sau khi Taliban quay lại nắm quyền vào năm 2021, viện trợ an ninh cùng viện trợ phát triển dành cho Afghanistan bị đóng băng. Viện trợ nhân đạo thông qua các tổ chức phi lợi nhuận bù đắp được phần nào. Nhưng đầu năm nay Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định cắt giảm mạnh viện trợ nước ngoài. Tính đến đầu năm 2025, chỉ 8 triệu trên tổng số 264 triệu USD cần thiết cho nước sạch và vệ sinh được giải ngân.

“Những gì chúng ta chứng kiến là các hệ thống địa phương sụp đổ, nguồn tài trợ bị đóng băng, mâu thuẫn khu vực ngày càng gia tăng, dân thường Afghanistan phải đối mặt với khủng hoảng ngày càng trầm trọng”, theo bà Von Zahn.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/lan-dau-tien-trong-lich-su-hien-dai-mot-thu-do-ben-bo-vuc-can-kiet-nuoc-235193.html