Làn sóng các công ty Trung Quốc tìm kiếm cơ hội phát triển ở nước ngoài

Đầu tư ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc tăng mạnh ở các nước đối tác của sáng kiến Vành đai và Con đường, các khoản đầu tư này tăng gần 1% từ năm 2022 tới năm 2023, đạt gần 150 tỷ USD.

Alibaba đang vươn ra ngoài Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội khi tốc độ tăng trưởng trong nước chậm lại. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Alibaba đang vươn ra ngoài Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội khi tốc độ tăng trưởng trong nước chậm lại. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch, các công ty của nước này đang tìm kiếm các cơ hội phát triển mới và nhiều công ty tìm thấy cơ hội ở các quốc gia khác.

Các công ty Trung Quốc như nền tảng mạng xã hội TikTok và tập đoàn công nghệ thông tin Lenovo đã trở thành những công ty có năng lực cạnh tranh trên toàn cầu với các sản phẩm hấp dẫn.

Các công ty khác cũng đang theo bước. Có thể kể đến là các nhà sản xuất xe điện BYD và Chery cũng như các thương hiệu tiêu dùng như Luckin Coffee.

Thậm chí, các tên tuổi lớn như Alibaba cũng đang vươn ra ngoài Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội, khi tốc độ tăng trưởng trong nước chậm lại.

Đầu tư ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc tăng mạnh ở các nước đối tác của sáng kiến Vành đai và Con đường.

Theo tập đoàn cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp EY, các khoản đầu tư này tăng gần 1% từ năm 2022 tới năm 2023, đạt gần 150 tỷ USD.

Dù 1% không phải là con số lớn, sự gia tăng đầu tư đáng chú ý ở các nước đối tác sáng kiến Vành đai và Con đường, khi Trung Quốc có các khoản đầu tư trực tiếp phi tài chính vào các nước này tăng 22,6%.

Châu Á vẫn là lựa chọn hàng đầu của các công ty Trung Quốc cho các thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) năm thứ 5 liên tiếp.

Ba lĩnh vực các công ty Trung Quốc đầu tư nhiều nhất là công nghệ, truyền thông và viễn thông; chế tạo tiên tiến và di chuyển, bao gồm xe điện; y tế và khoa học đời sống. Ba lĩnh vực này chiếm 53% tổng số vốn đầu tư của các công ty Trung Quốc.

Việc các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài không mới, nhưng điều mới là chiến lược của họ.

Trong những năm 2010, các công ty Trung Quốc được biết đến với việc mua các tài sản lớn. Các tài sản này bao gồm khách sạn Waldorf Astoria ở New York City mà một công ty bảo hiểm của Trung Quốc đã mua vào năm 2014 và tập đoàn hóa chất nông nghiệp Thụy Sỹ Syngenta mà ChemChina đã thâu tóm vào năm 2016.

Thay vì các thỏa thuận M&A, các công ty Trung Quốc hiện ưu tiên các thỏa thuận đầu tư mới, với việc thiết lập công ty con ở các thị trường nước ngoài và hoạt động kinh doanh từ ban đầu.

Điều này có nghĩa các công ty Trung Quốc sẽ thiết lập các cơ sở ở nước ngoài dưới thương hiệu riêng hoặc công ty con. Chiến lược này đặc biệt hiệu quả trong các lĩnh vực mà Trung Quốc có thế mạnh như xe điện và pin xe điện.

Điều đó cũng phù hợp với chính sách phát triển công nghiệp "Sản xuất tại Trung Quốc 2025" nhằm xây dựng năng lực cạnh tranh quốc tế cho ngành chế tạo Trung Quốc.

Sự thay đổi chiến lược một phần do căng thẳng địa chính trị gia tăng sau khi Mỹ, Anh và các chính phủ ở Liên minh châu Âu tăng cường giám sát đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm bảo vệ các ngành chiến lược và trọng yếu.

Năm 2022, Chính phủ Đức đã cấm các công ty Trung Quốc mua cổ phần trong hai công ty chip của nước này, do lo ngại về an ninh quốc gia và quá trình chuyển giao công nghệ.

Dù đầu tư ra nước ngoài tăng, giá trị các thỏa thuận M&A qua biên giới của Trung Quốc đã giảm xuống 17,3 tỷ USD trong năm 2022, sau khi tăng hơn gấp ba lần, từ 54,4 tỷ USD vào năm 2010 lên gần 201 tỷ USD vào năm 2016.

Một điểm khác biệt khác trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc nằm ở yếu tố địa lý.

Chưa đầy một thập kỷ trước, Trung Quốc là một trong năm nhà đầu tư lớn nhất tại Mỹ. Hiện, các công ty Trung Quốc dành ưu tiên cho các thị trường ở Đông Nam Á, châu Âu và châu Phi.

Đầu tư hàng năm của Trung Quốc tại Mỹ giảm từ 46 tỷ USD vào năm 2016, xuống chưa đến 5 tỷ USD vào năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lan-song-cac-cong-ty-trung-quoc-tim-kiem-co-hoi-phat-trien-o-nuoc-ngoai-post956993.vnp